Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có gần 16.000 km đường quá thời gian sửa chữa định kỳ theo quy định do thiếu nguồn vốn. Trong đó, hơn 10.770 km quá thời hạn trùng tu và 5.123 km quá thời hạn đại tu…
Bảo trì theo kiểu “giật gấu vá vai”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng năm 2013 quỹ bảo trì đường bộ ra đời đã kịp thời sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên, nhiều năm qua số lượng tỉnh lộ được nâng thành quốc lộ (QL) nhiều, mật độ phương tiện tăng cao...
“Có thể thấy tốc độ tăng trưởng nâng lên nhưng nguồn kinh phí của quỹ bảo trì đường bộ không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều tuyến đường xuống cấp, không bảo trì, sửa chữa đúng quy định, đấy là một thực tế…” - ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, mặt đường xuống cấp sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông chết người. Điển hình như vụ tai nạn chết người trên tuyến QL1 qua tỉnh Phú Yên vừa qua.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ thông tin: Quỹ bảo trì đường bộ mỗi năm thu được hơn 7.000 tỉ đồng, ngân sách bỏ thêm nữa cũng chỉ hơn 10.000 tỉ đồng. Như vậy, bình quân bố trí được 50 triệu đồng/km/năm. “Ví dụ, thảm nhựa 7 cm trên một đoạn đường vài kilomet đã hết 300 đến 400 tỉ đồng. Có nghĩa nếu ta trùng tu, đại tu 1 km đường thì nơi khác phải “nhịn” vốn. Nên đường hư hỏng, ngành chỉ thực hiện dặm vá ổ gà, ổ voi theo kiểu “giật gấu vá vai”…” - vị này chia sẻ.
Để giải bài toán này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ thông tin Bộ GTVT đang giao cho ngành đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì QL đến năm 2030.
Nhiều tuyến đường hiện nay chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời do thiếu vốn. Ảnh: V.LONG
“Không có tiền phải lên tiếng”
Mới đây, tại hội nghị tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng đề án có vai trò quan trọng để bảo vệ và phát huy tốt hạ tầng hiện có. Vì vậy, ông Thể chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phải sớm hoàn chỉnh đề án trình Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Trong đó, ông Thể chỉ đạo phải đánh giá đúng thực trạng hư hỏng của hệ thống đường bộ tại các vùng, miền; đưa ra giải pháp duy tu, sửa chữa…
“Ngành đường bộ quản lý một tài sản lớn như vậy (24.000 km QL), trong khi mỗi năm số tiền dành cho bảo trì rất ít, chỉ chiếm 1% tổng giá trị tài sản đường bộ, số tiền bỏ ra duy tu quá thấp so với giá trị tài sản đang quản lý và số kilomet đường đang được tăng hằng năm…” - ông Thể nói.
Người đứng đầu ngành GTVT cho biết tại nghị trường Quốc hội và văn bản gửi Bộ GTVT, nhiều đại biểu chất vấn ngành giao thông về đường xuống cấp không được sửa chữa. Có địa phương phàn nàn việc đã đề xuất nhưng không được giải quyết. Điển hình như đồng bằng sông Cửu Long hiện không có con đường nào lành lặn.
Theo đó, bộ trưởng yêu cầu ngành đường bộ cần làm tốt trách nhiệm để khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, đảm bảo an toàn cho người dân. “Nếu quản lý không tốt, để đường xuống cấp, hư hỏng toàn bộ là có lỗi với dân…” - ông Thể nhấn mạnh.
Ông Thể cũng cảnh báo: “Chúng ta biết nguyên nhân là không có tiền, nhưng khó khăn phải lên tiếng, không lên tiếng ai biết… Trường hợp đề xuất không được cấp trên xem xét, chúng ta mới chấp nhận và người dân ghi nhận. Nếu không đưa giải pháp, đường đó xảy ra tai nạn chết người, dân kiện sẽ có đồng chí phải ra tòa…”.
Ông Thanh khẳng định cảnh báo của bộ trưởng là cần thiết. “Nếu mặt đường không đảm bảo mà xảy ra tai nạn, dân sẽ khởi kiện. Bộ trưởng nói hợp lý, làm không nên phải ra tòa chứ đừng tưởng” - ông Thanh nói.
Theo đó, ông Thanh rất ủng hộ việc Bộ GTVT chuẩn bị trình Chính phủ, Quốc hội thông qua đề án trên. “Với kết quả này, Chính phủ có thể cấp vốn để triển khai. Đồng thời giám sát tốt khâu xây dựng cơ bản cho đến khâu bảo trì đường bộ” - ông Thanh phân tích.
Nếu Chính phủ không cấp vốn, theo ông Thanh, có thể xem xét phương án tăng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, nếu tăng cần nói rõ cho dân biết hiện trạng đường bộ xuống cấp, tiền quỹ bảo trì không đủ… Muốn có đường tốt cần sự chung tay.
“Nhưng cái quan trọng là cơ quan nhà nước phải công khai, minh bạch, để người dân giám sát đồng tiền mồ hôi, nước mắt họ bỏ ra và chắc rằng đồng tiền đó không bị bớt xén. Chứ lâu nay chúng ta không công khai, minh bạch, cứ mù mờ thì người dân mới kêu…”.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết tính đến 30-4-2018, toàn quốc có 154 tuyến QL với tổng chiều dài gần 24.600 km. Theo đề án xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì QL đến năm 2030: Căn cứ vào khối lượng, đơn giá và trượt giá, nhu cầu vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ giai đoạn 2019-2030 dự kiến cơ sở là gần 300.000 tỉ đồng, riêng năm 2019 cần hơn 49.000 tỉ đồng. Phương án này đảm bảo đến năm 2020 tất cả hệ thống QL sẽ được sửa chữa định kỳ theo đúng thời gian quy định. Theo Tổng cục Đường bộ, nguyên nhân các tuyến đường QL xuống cấp là do lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, mưa lũ, đặc điểm địa hình… Tính đến thời điểm hiện tại, quỹ mới đáp ứng được 34,81% nhu cầu. Tổng kinh phí bảo trì đường bộ hằng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ. |