Sau khi sinh con, chị QTH (45 tuổi, Hà Nội) nặng tới 90 kg khiến chị phải nỗ lực giảm béo.
Sau quá trình quyết tâm kiên trì ăn kiêng, tập luyện, chị H. cũng giảm được 20 kg. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh là vòng hai của chị ngày càng chảy xệ.
"Tôi không dám giảm cân tiếp tục vì không muốn tất cả đùi, mông, ngực cùng chảy xuống như vậy. Nhiều khi tôi phải vén mãi mới giấu được vòng hai vào trong quần" - chị H. tâm sự.
Các bác sĩ BV Việt Đức đang tiến hành phẫu thuật hút mỡ cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Cảm thấy tự ti, chị H. quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ giảm bớt lượng mỡ và da thừa.
PGS-TS Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết: "Trường hợp của chị H., sau gần bốn tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ khoảng 3,5 lít mỡ đặc và hơn 3 kg da thừa ở vùng bụng. Ca mổ thành công, chị H. đã hồi phục nhanh và chỉ sau năm ngày đã được ra viện".
Chia sẻ thêm, PGS Hà cho biết sau giảm cân khối lượng lớn, hầu như toàn bộ các vùng bụng ngực lưng mông đùi đều có hiện tượng chảy xệ và da thừa rơi xuống nhiều.
Tùy vào mức độ sa trễ của từng cơ quan bộ phận mà các phẫu thuật viên và người bệnh sẽ phải chọn lựa vùng ưu tiên điều trị trả lại hình dáng cơ thể cho người bệnh, trong đó phẫu thuật tạo hình thành bụng thường là phẫu thuật được ưu tiên hàng đầu.
Hình ảnh trước và sau khi thực hiện hút mỡ của chị H. Ảnh: BVCC
"Việc phẫu thuật tạo hình bụng cho những bệnh nhân giảm cân khối lượng lớn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Tuy nhiên, nếu được tiến hành một cách kỹ càng, đúng quy trình thì tỉ lệ biến chứng trở nên rất thấp" - PGS Hà nói.
Theo đó, các nguy cơ có thể đến từ gây mê hồi sức. Các bệnh nhân này thường tiềm ẩn các bệnh tật về mỡ máu, đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch do tình trạng thừa cân trước đây gây ra. Vì vậy bệnh nhân cần phải được khám và tư vấn đầy đủ, ghi chép về tiền sử các bệnh tật trước đây, cũng như tiền sử phẫu thuật, dị ứng.
Nguy cơ tiếp theo là về vấn đề cầm máu, nếu không cầm máu tốt sẽ xảy ra tình trạng chảy máu ồ ạt sau mổ. Với những ca phẫu thuật như chị H. phải chú ý cầm máu thật tốt vì ở bệnh nhân béo phì các mạch máu bao giờ cũng phát triển to ra và khi giảm cân thì các mạch máu vẫn không thu nhỏ lại được.
Việc hút mỡ trong mổ cũng cần hết sức thận trọng. Không phải cứ hút càng nhiều là càng tốt. Hiệp hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hoa Kỳ đã khuyến cáo không nên hút lượng mỡ quá nhiều, khi vượt quá 5 lít sẽ gây ra hiện tượng mất dịch và máu trầm trọng.
Ngoài ra, để hút được lượng mỡ lớn, người ta cũng cần tiêm vào cơ thể một lượng thuốc tê lớn để giảm đau cho người bệnh vì vậy làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc tê có thể dẫn tới tử vong. Cùng với đó là các biến chứng khác như tắc mạch phổi do mỡ hay do huyết khối tĩnh mạch, nhiễm trùng, chấn thương bụng ruột... cũng có thể xảy ra giống như các trường hợp phẫu thuật tạo hình bụng thông thường khác.