Những năm gần đây, diễn biến sạt lở trên địa bàn An Giang phức tạp, nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng và tài sản của người dân.
Trong năm 2017, trên địa bàn An Giang xảy ra 54 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh rạch với tổng chiều dài 4.171 m, ảnh hưởng 221 căn nhà, trong đó phải di dời khẩn cấp 149 hộ và tổng thiệt hại do sạt lở trên 99,5 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn An Giang xảy ra 29 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh rạch…
Theo thống kê của UBND tỉnh An Giang, đến thời điểm cuối tháng 9-2018, qua quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông, trên địa bàn tỉnh có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở với tổng chiều dài khoảng 162 km, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.
Một vụ sạt lở bờ sông cuốn đi nhiều căn nhà ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang năm 2017. Ảnh: THÙY DUNG
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh An Giang, trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, việc triển khai đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư và hỗ trợ cho người dân mua nền, vay xây dựng nhà là gánh nặng rất lớn cho ngân sách địa phương. Do đó, An Giang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thực hiện xã hội hóa, mời gọi sự tham gia của các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư nhằm sớm hỗ trợ cho người dân vùng lũ có nơi ở ổn định.
Theo đó, tỉnh An Giang đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương về các cơ chế để kêu gọi đầu tư xây dựng các cụm, tuyến dân cư. Cụ thể, về tạo quỹ đất: Thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi theo khung giá nhà nước và giao cho nhà đầu tư để xây dựng cụm, tuyến dân cư. Nhà đầu tư thực hiện hoàn trả các chi phí thu hồi đất (chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời…) cho ngân sách nhà nước. Dự án đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư được miễn tiền sử dụng đất và miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư và giảm giá thành của nền cơ bản. Tỉ lệ bán nền cơ bản và linh hoạt để đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư là tỉ lệ 50% cơ bản và 50% linh hoạt trên tổng số nền tạo lập. Mức độ lợi nhuận của nhà đầu tư quy định không vượt quá 10% tổng mức đầu tư theo nguyên tắc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhà đầu tư được áp dụng mức 5% thuế giá trị gia tăng và 10% thuế thu nhập doanh nghiệp (như tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội). Nhà đầu tư được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng.
UBND tỉnh An Giang kỳ vọng được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận các đề xuất trên.
Trong thời gian qua, trung ương đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL. Theo đó, An Giang được hỗ trợ đầu tư xây dựng 247 cụm, tuyến với tổng cộng 39.461 nền cơ bản cùng các chính sách hỗ trợ cho vay trả chậm mua nền nhà và xây dựng nhà ở. Chương trình này đã góp phần giải quyết cho các hộ dân nghèo có nhà ở ổn định, đồng thời đã thực hiện công tác chăm lo giải quyết việc làm, đời sống văn hóa… |