Vụ sạt xảy ra vào ngày 22-4 làm 16 căn nhà và nền nhà sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, làm hơn 106 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Đến khảo sát tại hiện trường vụ sạt lở, Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên bà con bị ảnh hưởng do thiên tai vừa qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đã tặng quà và nhu yếu phẩm cho bà con bị ảnh hưởng nhằm khích lệ cho bà con an tâm, bắt nhịp với cuộc sống hàng ngày, chăm lo phát triển kinh tế.
Hiện trường vụ sạt lở tại Mỹ Hội Đông (ảnh TÍN HUY)
Phó Thủ tướng kiểm tra sạt lở (ảnh TÍN HUY)
Phó Thủ tướng tặng quà hỗ trợ cho bà con (ảnh TÍN HUY)
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp về công tác phòng, chống sạt lở với lãnh đạo các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Tại buổi làm việc, ông Vương Bình Thạnh – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin, năm tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 15 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài trên 1,2km ảnh hưởng đến 170 căn nhà. Trong đó, có 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng với nhiều tài sản khác. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các ban ngành di dời khẩn cấp 136 căn nhà lân cận có nguy cơ sạt lở cao.
“Trước tình thế cấp bách, tỉnh đã xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn tại các vị trí sạt lở vừa qua. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn xây dựng 23 cụm, tuyến dân cư đáp ứng khoảng 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở cao và đặc biệt nguy hiểm” - ông Thạnh nói thêm.
Còn theo báo cáo của Bộ NN&PTNT đến thời điểm này toàn vùng ĐBSCL có 393 điểm sạt lở, với tổng chiều dài sạt lở trên 581km. Tốc độ sạt lở từ 1 – 20m/năm. Sạt lở bờ biển nặng nhất là Cà Mau với 109km, Tiền Giang 77km, Trà Vinh 74km và ở bờ sông Tiền, sông Hậu là An Giang 69km với 51 điểm bị sạt lở.
Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành vùng ĐBSCL (ảnh TÍN HUY)
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị lãnh đạo địa phương phải bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân để họ có cuộc sống ổn định. Đề nghị các vùng có nguy cơ sạt lở cao thì có quan trắc, cảnh báo, có kế hoạch để bố trí, cảnh báo sớm, kịp sơ tán người dân nhanh nhất để không thiệt hại về người.