Gần 70 người chết vì thảm họa dung nham lạnh ở Indonesia

(PLO)- Các trận lụt do mưa lớn xối xả ở Indonesia đã cuốn theo bùn đất và dung nham lạnh trên sườn núi lửa Marapi tràn xuống các địa phương bên dưới chân núi, gây thiệt hại nặng về người và của.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Theo kênh Channel News Asia, mưa xối xả từ ngày 11-5 đã gây ra lũ quét cuốn trôi hàng tấn bùn đất và dung nham lạnh tích tụ trên sườn núi lửa Marapi (tỉnh Sumantra, Indonesia) xuống các thung lũng và sông bên dưới núi.

Lũ lụt đã ảnh hưởng đến gần như toàn bộ 20 con sông có đầu nguồn trên núi Marapi, mạnh đến mức đánh sập các cây cầu, cắt đứt đường sá và chôn vùi đất nông nghiệp cũng như các khu dân cư dưới lớp bùn dày dưới chân núi.

Tính tới chiều 15-5, người đứng đầu cơ quan thảm họa Indonesia cho biết đã có tổng cộng 67 người chết và hàng chục người vẫn đang mất tích sau vụ lũ quét (cuốn theo dung nham lạnh).

dung nham lạnh
Nhà cửa bị ảnh hưởng nặng nề khi lũ quét cuốn theo dung nham lạnh xuống các địa phương dưới chân núi Marapi. Ảnh: REUTERS

Phát ngôn viên Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) - ông Abdul Muhari cho biết nạn phá rừng trên núi Marapi cũng như dọc theo bờ sông cũng góp phần làm cho thảm họa trở nên nghiêm trọng hơn.

Các quan chức từ Trung tâm giảm thiểu nguy cơ địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) đã cảnh báo người dân trong nhiều tháng qua rằng với quá nhiều vật liệu núi lửa (như dung nham lạnh) tích tụ gần miệng núi lửa Marapi, lượng mưa có thể dẫn đến lũ quét.

Họ đã đưa ra cảnh báo ngay sau ngày 3-12-2023, khi 23 người đi bộ đường dài thiệt mạng trong vụ phun trào ở Marapi. Những người leo núi đã phớt lờ cảnh báo của chính phủ là phải tránh xa miệng núi lửa ít nhất 2 km, vốn đã được áp dụng từ năm 2011 khi núi lửa có dấu hiệu hoạt động mạnh.

Trung tâm cũng phát hành bản đồ về các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa chất Indonesia (BMKG) đã cảnh báo người dân rằng mưa lớn có thể đổ bộ vào các khu vực xung quanh núi lửa từ ngày 6 đến ngày 22-5.

Tuy nhiên, theo Channel News Asia, bất chấp những cảnh báo này, người dân vẫn không tránh xa bờ sông khi mưa xối xả hôm 11-5.

“Cảnh báo về nguy cơ lũ quét đã được đưa ra từ khá lâu. Thậm chí còn có bản đồ về nơi lũ quét sẽ ảnh hưởng. Lẽ ra không thương vong nhiều đến thế" - Tiến sĩ Eko Teguh Paripurno, một chuyên gia về giảm nhẹ thiên tai từ ĐH Phát triển Quốc gia Yogyakarta (UPN), nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm