Hỏi: Thuốc giải rượu có tác dụng giải độc và bảo vệ gan đang được quảng cáo rất nhiều trên thị trường và mạng xã hội. Tuy nhiên, những thuốc này thực chất là gì, công hiệu đến đâu? (Trần Văn N, TP.HCM)
Trả lời: Rượu, bia hay tất cả thức uống có cồn nói chung được đánh giá "độ rượu" dựa vào nồng độ ethanol (tính theo đơn vị g) có trong 100 ml thức uống đó. Ví dụ, rượu 40 độ nghĩa là có 40 g ethanol trong 100 ml rượu.
Uống rượu càng nhiều càng nguy hại sức khỏe bởi không có "thuốc" giải rượu. Ảnh: TRẦN NGỌC
Rượu được chuyển hóa như thế nào?
Sau khi uống, rượu được hấp thu nhanh vào đường tiêu hoá. Khoảng 20% ở dạ dày, gần 80% xuống ruột non và đi vào máu. Một lượng nhỏ rượu được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu.
Chuyển hóa rượu xảy ra chủ yếu ở gan. Dưới tác dụng của enzym ADH, ethanol chuyển thành acetaldehyde. Đây chính là chất gây độc cho cơ thể. Sau đó, dưới tác dụng của các enzym, quá trình ôxy hóa giúp acetaldehyde biến thành acid acetic và phân hủy thành CO2, năng lượng.
Tốc độ chuyển hóa của gan là khoảng 1 g ethanol/10 kg cân nặng/1 giờ.
Tác hại của rượu, bia
Nếu tốc độ và nồng độ rượu uống vào vượt quá khả năng chuyển hóa của gan sẽ dẫn đến hiện tượng gan sản xuất không kịp enzym để chuyển hóa acetaldehyde. Khi đó, chất này ứ đọng trong cơ thể và gây ra những tác hại cho sức khỏe. Cụ thể, ảnh hưởng lên não với biểu hiện say rượu, rối loạn tâm thần, hành vi. Bên cạnh đó còn gây nhiễm độc các cơ quan. Đặc biệt dần dần làm tổn thương gan. Đây là nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng cồn uống vào và tốc độ uống. Ngưỡng cho phép tối đa một đơn vị alcohol/ngày đối với nữ ở mọi lứa tuổi và nam trên 65 tuổi. Tối đa hai đơn vị alcohol/ngày đối với nam dưới 65 tuổi.
Cũng cần nói thêm, một đơn vị alcohol tương đương 10 g ethanol. Ví dụ, 250 ml bia 4 độ cồn, 76 ml rượu nhẹ 13 độ cồn, 25 ml rượu mạnh 40 độ cồn.
“Thuốc” giải rượu thực chất là gì?
Hiện thị trường và mạng xã hội quảng cáo nhiều loại “thuốc” có tác dụng giải rượu. Thực chất chỉ là thực phẩm chức năng chứa các thành phần vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hóa rượu.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu chứng minh những "thuốc" này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu hoặc làm mất trạng thái say xỉn.
Những tác hại của "thuốc” giải rượu
Nhiều “thuốc” giải rượu có nguồn gốc, xuất xứ và thành phần không rõ ràng. Do vậy, một trong những thành phần của “thuốc” uống vào có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng.
Ngoài ra, do quá tin vào “công dụng” của "thuốc” nên vô tư uống rượu, bia mà không biết rằng “thuốc” chẳng thể bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu, bia. Cuối cùng hậu quả vẫn xảy ra.
Điều đáng nói, khi uống "thuốc” giải rượu thì “thuốc” này cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa rượu nên cả rượu và thuốc cùng lúc được chuyển hóa qua gan. Đây là nguyên nhân gia tăng gánh nặng cho gan, làm tăng nguy cơ gây suy gan cấp.
Càng uống nhiều rượu, bia càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Không có bất kỳ "thần dược" nào giúp uống rượu, bia mà không say.
BS LÊ THỊ CẨM THƠ, khoa Khám bệnh, BV Nhân dân 115 TP.HCM