Nóng: Quốc hội tán thành 'cấm lái xe khi đã uống rượu, bia'

Sáng nay 14-6, giải trình trước Quốc hội về dự án luật phòng chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã dùng từ “tha thiết” khi đề cập đến quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

ĐBQH không đồng thuận, nhưng…

Theo giải trình, tiếp thu của UB Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm UB Thường vụ của Quốc hội trình bày báo cáo, giải trình ý kiến ĐB về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị ĐBQH hai phương án, trong đó phương án cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là phương án 1. Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% ĐBQH tán thành”, bà Nguyễn Thúy Anh trình bày.

Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

“Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nói.

UB Thường vụ Quốc hội cũng cho biết: trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.

“Do đó, trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm “6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông”, bà Nguyễn Thúy Anh trình bày.

Cuối cùng, Quốc hội cách đây ít phút đã đồng ý bổ sung quy định này vào Dự luật với tỉ lệ 77,27%.

Với 374 ĐBQH đồng ý, Quốc hội đã cấm lái xe sau khi uống rượu, bia và các chất có cồn.

Quảng cáo và tài trợ rượu, bia

Theo UB Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để hạn chế việc uống rượu, bia. UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ ngay tại dự thảo Luật là cần thiết. Tuy vậy, ĐBQH lại chưa đồng thuận về quy định này.

Mặt khác, việc quy định khung giờ cấm bán rượu, bia đã được pháp luật hiện hành quy định về thời gian được phép hoạt động của một số loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ phổ biến có bán rượu, bia như: quy định hạn chế thời gian hoạt động của cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quầy bar… và có chế tài.

“Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định trên của pháp luật hiện hành, cần thiết sẽ đề xuất biện pháp quản lý chặt chẽ hơn”, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Một số ý kiến đề nghị quy định cấm quảng cáo, khuyến mại rượu, bia; ý kiến khác đề nghị quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên báo in và internet, mạng xã hội. Vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và “xin phép” chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mại rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu, bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi.

Đối với các loại rượu, bia không thuộc trường hợp kể trên thì sẽ sử dụng những biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mại phù hợp theo từng mức độ cồn, tương ứng với từng loại phương tiện quảng cáo.

Bên cạnh quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên, thì dự thảo Luật quy định việc quản lý hoạt động quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ và rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên, như vậy, các sản phẩm bia từ 4-5 độ cồn không bị bỏ ngỏ.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được 408 ĐBQH tán thành thông qua.

Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc quy định tại Điều 13 vì đây là nguồn tài trợ chính cho các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh. Theo đó, Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải tuân thủ các quy định tại Điều 12 của Luật này và không quảng cáo trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh; trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.

UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các hoạt động thể thao, văn hoá, sân khấu điện ảnh là hoạt động thu hút đông người tham gia nên có sức ảnh hưởng và tác động lớn đến người dân, bên cạnh đó, do rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và bia từ 5,5 độ cồn trở lên có hại hơn rượu, bia dưới 5,5 độ cồn, nên việc quy định tại Điều 13 là cần thiết để hạn chế những tác động có hại không mong muốn.

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỉ lệ 84,3%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm