92 năm ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước.
Đạt được những thành tựu ấy là do trong suốt quá trình lịch sử của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn bó mật thiết với Nhân dân, đồng hành cùng dân tộc. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự là những người mà Nhân dân có thể đặt niềm tin và phó thác trách nhiệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội. Ảnh: TTXVN
1. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. 15 năm sau, chỉ với gần 5.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Điều gì đã tạo nên thành công nhanh chóng của cuộc cách mạng này? Đó chính là sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Đảng Cộng sản Đông Dương, bằng đường lối đúng đắn, đáp ứng lợi ích, mong muốn chính đáng của Nhân dân đã quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Nguyễn trong tác phẩm nổi tiếng Tháng Tám trời mạnh thu đã viết: “Cách mạng là công việc thực tế của hằng triệu, hằng triệu người. Một đội tiền phong dầu giỏi đến đâu cũng chỉ tưởng tượng trong phạm vi công việc của năm ba vạn người”, còn sức mạnh vĩ đại là ở Nhân dân.
Những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng xuất thân từ trong lòng Nhân dân, được Nhân dân chở che, nuôi dưỡng, đùm bọc và họ đã chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân.
Nhà cách mạng Trần Bạch Đằng trong một bài viết của mình có kể câu chuyện ông cùng Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đi trên một dòng kênh và tạt vào nhà một người dân ở ven kênh xin nước uống. Thấy các ông, gia đình người dân đang ăn cơm, dù biết ông Lê Duẩn là nhà lãnh đạo cao nhất ở Nam Bộ khi ấy song bà chủ nhà sai con gái: Đi lấy chén cho “thằng Ba” (tên gọi của ông Lê Duẩn thời hoạt động là Ba Duẩn – NV) ăn cơm.
Ông Trần Bạch Đằng cũng viết rằng đối với đồng bào Nam Bộ khi ấy các ông đều là “đẳng cấp thằng” và vì vậy không bao giờ có chuyện cán bộ tới chỉ đạo và ủy lạo Dân. Cái tình Đảng - Dân của buổi trước thời dân quốc ấy mới gắn bó, đẹp đẽ, thiêng liêng biết bao. Chính nhờ sự gắn bó mật thiết ấy mà dân tin Đảng, Đảng tin Dân và tạo nên nhiều thắng lợi.
Quân đội được tăng cường để hỗ trợ TP.HCM trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua. Ảnh: NGUYỆT NHI
2. Ngay từ khi ra đời và trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nhất quán tư tưởng Lấy dân làm gốc. Đại hội VI của Đảng đã tổng kết và rút ra bài học lớn: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”,… Quan liêu, mệnh lệnh xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân là làm suy yếu sức mạnh của Đảng”.
Tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đã rút ra năm bài học kinh nghiệm. Một trong năm bài học đó là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Sớm nhận thức tầm quan trọng của việc gắn bó mật thiết với Nhân dân, Đảng ta đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và dân. Không những vậy, những năm gần đây, trong nhiều văn kiện của Đảng, trong những phát biểu của các nhà lãnh đạo cấp cao đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của mối quan hệ này, nhất là niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiện cũng băn khoăn, lo lắng về những hiện tượng tiêu cực và tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, sách nhiễu dân diễn ra ngày càng phổ biến với nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Ngay từ năm 1998, ông Trần Bạch Đằng đã phải thảng thốt về hiện tượng xa dân, mà ông gọi là Nỗi thèm khát nóng bỏng để rồi kêu gọi đảng viên của Đảng hãy trở về với cái nôi mà mình đã sinh ra, trở về trong “vòng tay êm ấm của người dân đã cưu mang tất cả - cưu mang cách mạng, cưu mang sinh mạng của chính cá nhân người Đảng viên”.
Cán bộ, đảng viên phải chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Trong ảnh: Cán bộ Sở Tư pháp TP.HCM hướng dẫn để người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: HOÀNG GIANG
3. Đảng Cộng sản Việt Nam được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đội ngũ đảng viên của Đảng được giao những trọng trách trong hệ thống chính trị, nhất là trong các cơ quan quản lý Nhà nước.
Khoa học chính trị đã chỉ ra rằng quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực càng cao thì tha hóa càng nhiều. Hiến pháp 2013 không chỉ hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân mà còn quy định rất cụ thể về việc Đảng phải chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
Việc quy định Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân trong Hiến pháp cũng là nhằm khẳng định các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng phải nâng cao trách nhiệm trước Nhân dân chứ không chỉ là trách nhiệm trước Đảng - tổ chức giao quyền lực cho mình.
Quy định này còn nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để Nhân dân tham gia đầy đủ vào các sinh hoạt chính trị của đất nước, góp ý xây dựng các chủ trương, đường lối về phát triển và bảo vệ đất nước để dân gần với Đảng, gắn bó với Đảng chặt chẽ hơn.
Trong những năm qua, không chỉ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam còn ban hành những chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Nhân dân, của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với Đảng và Nhà nước. Các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền đã được ban hành với nhiều quy định chặt chẽ, thống nhất.
Là chính đảng duy nhất được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm trước Nhân dân về toàn bộ mọi mặt đời sống xã hội và về các quyết định của mình.
Đảng được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không phải là Nhà nước, vì vậy, quyền lực của Đảng chủ yếu dựa trên uy tín mang lại. Uy tín ấy chính là ở việc Đảng phải đề ra các quyết sách lãnh đạo phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên của đảng phải thật sự gương mẫu, thật sự vì dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam sinh ra từ cái nôi nuôi dưỡng đó là Nhân dân. Chỉ khi nào Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân thì Đảng mới có sức mạnh. Khi nào Đảng xa rời Nhân dân, Đảng sẽ suy thoái và yếu kém, lời nhắc nhở này chưa bao giờ là chuyện cũ.