Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cho biết: Đến nay, nhiều địa phương chưa thực sự cởi mở trong việc đón tiếp người dân từ nơi khác trở về.
Theo đó, đến nay người dân từ TP.HCM muốn về quê ăn tết vẫn chưa thể mua vé do gặp hai vấn đề khó khăn: Thứ nhất, nhiều địa phương chưa kết nối với TP.HCM. Thứ hai, câu chuyện cách ly phòng dịch tại các địa phương mỗi nơi mỗi khác.
Người dân băn khoăn mua vé tết
Theo ghi nhận của PV chiều 14-12 tại Bến xe (BX) Miền Đông và BX Miền Tây (TP.HCM), lượng khách đến mua vé rất ít. Trong đó có một số khách tới bến để hỏi thăm tình hình vé xe tết năm nay. Tuy nhiên, nhiều hành khách cho biết vẫn phải nghe ngóng tình hình dịch bệnh ở quê nhà chứ chưa có quyết định mua vé tết hay không.
“Từ giờ tới tết có lẽ sẽ còn thay đổi nhiều. Thường thì tết chúng tôi được nghỉ khoảng 10 ngày nhưng nếu về phải cách ly một tuần hay 14 ngày thì về làm gì?” - chị Hà Phương (quê Gia Lai) cho biết.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng lo lắng không có xe về quê ăn tết vì đến nay rất nhiều địa phương chưa kết nối giao thông liên tỉnh với TP.HCM.
Trước vấn đề trên, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc BX Miền Tây, cho biết: Đến thời điểm này, BX mới kết nối giao thông với 13 tỉnh miền Tây Nam bộ.
Theo ông Phương, đối với các tỉnh đã kết nối thì điều cốt lõi vẫn là nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, người dân vẫn e ngại vì tình hình cách ly, chống dịch mỗi địa phương mỗi khác.
Đại diện BX Miền Đông cũng cho biết đến nay mới chỉ có 16 tỉnh, thành mở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh với bến nên lượng khách đi lại chưa đều. Cũng có nhiều người dân tới BX để hỏi thăm tình hình vé tết nhưng nhiều tỉnh, thành chưa kết nối với TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc phòng chống dịch COVID-19 ở các tỉnh, thành khác nhau về yêu cầu cách ly, khai báo tại địa phương... nên hành khách còn e ngại di chuyển. “Đó là những vướng mắc ảnh hưởng rất lớn đến việc vận tải hành khách liên tỉnh. Nếu các địa phương quy định cách ly rõ ràng hơn và cởi mở hơn trong việc kết nối giao thông thì người dân mới mạnh dạn mua vé tết” - đại diện BX Miền Đông cho biết.
Tính đến nay, mới chỉ có 16 tỉnh, thành kết nối với BX Miền Đông (TP.HCM). Ảnh: THU TRINH
Đối với giao thông thủy, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hầu hết các tỉnh lân cận đã đồng ý kết nối các tuyến giao thông thủy với TP.HCM. Song hiện nay lượng người đi lại bằng phương tiện này chưa cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc mỗi địa phương có biện pháp phòng dịch khác nhau.
Ông An đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải thực hiện sao cho việc vận tải hành khách được lưu thông thuận lợi. Chỉ khi nào các địa phương cởi mở thì giao thông mới thực sự thông suốt.
Nên có quy định mới về kết nối liên tỉnh
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, đánh giá: Sau hơn hai tháng mở cửa nhưng việc đi lại giữa các tỉnh, thành vẫn chưa thông, người dân vẫn gặp khó. Sự mở cửa của các địa phương chưa đồng đều, mặc dù Nghị quyết 128 của Chính phủ đã có nhưng vì nhiều địa phương dịch COVID-19 bùng phát nên đóng, mở liên tục.
“Để hành khách đi lại thuận lợi, phục hồi lại ngành vận tải, tôi đề nghị Bộ GTVT sửa lại quy định mở lại vận tải hành khách liên tỉnh cố định” - ông Tính nói.
Ông Tính cho biết hiện nay muốn mở lại tuyến cố định giữa hai địa phương thì cần có sự thống nhất giữ Sở GTVT hai địa phương, sau đó hai sở trình UBND tỉnh. Thủ tục này chặt chẽ về chống dịch nhưng rườm rà.
“Tôi đề nghị Bộ GTVT nên mở cửa bằng cách ra quy định mới. Chẳng hạn, đối với vùng dịch cấp 1, 2, mỗi sở GTVT có quyền mở lại tuyến vận tải mà không cần thông qua UBND tỉnh. Những nơi nào độ phủ vaccine chưa cao, đề nghị Bộ Y tế cung cấp đầy đủ, đặc biệt các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên” - ông Tính nhấn mạnh.
Về giao thông thủy, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1, khẳng định giao thông thủy đã có sự phục hồi nhất định sau thời gian dịch.
Ông Toản cũng cho rằng để phục hồi vận tải sau dịch thì cần có nhiều thời gian hơn nữa. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang tiếp diễn và chúng ta vẫn chưa tìm ra đáp số. Như vậy, chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch và luôn duy trì năng lượng tích cực, đưa ra nhiều giải pháp thích ứng an toàn.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Chánh, chủ đầu tư tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, nhận định hiện nay số lượng hành khách di chuyển còn ít, song có thể thấy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu bước vào trạng thái bình thường mới, cởi mở hơn và du lịch cũng bắt đầu khởi sắc.
Theo đó, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu vẫn tiếp tục duy trì tần suất, phục vụ hành khách. Tuy lượng khách ít ỏi nhưng tuyến phà này đang tiến tới khôi phục công suất tuyến như thời kỳ đầu.
Ông Chánh dự đoán có thể dịp lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, nhu cầu người dân sẽ di chuyển nhiều hơn.•
Lượng khách tới bến xe giảm rất mạnh Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện BX Miền Đông cho biết: Thống kê từ ngày 1 đến 10-12, bến có 1.508 xe xuất bến với 8.967 khách, trung bình mỗi xe 5-6 khách, giảm rất nhiều so với trước. Hai ngày gần đây, lượng khách tăng nhẹ từ 800-900 người/ngày lên 1.132 người/ngày. Riêng BX Miền Đông mới (TP Thủ Đức), lượng khách còn thấp hơn, mỗi ngày có 28 xe xuất bến với khoảng 99 người. Thông tin từ Sở GTVT TP.HCM sau giãn cách đến nay, tổng lượt khách liên tỉnh thông qua các BX chỉ khoảng 77.000 lượt với 24.700 lượt xe phục vụ (bình quân mỗi xe ba người). So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách giảm 98%; so với ngày thường trước khi xảy ra dịch bệnh, lượt khách giảm 99%. |