Gạo là mặt hàng đón nhận nhiều thông tin vui trong bối cảnh nhiều sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Đáng chú ý, giá một số loại gạo của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong tám năm qua.
Thái Lan mua gạo Việt Nam
Khai thác hiệu quả từ danh hiệu gạo Việt Nam ngon nhất thế giới, Công ty Gạo Cỏ May (Đồng Tháp) đã đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu loại gạo thơm ST24. Ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc công ty, cho biết sản lượng loại gạo thơm cao cấp này xuất khẩu sang hai thị trường Singapore và Hong Kong tăng mạnh hơn 20% về sản lượng và hơn 15% giá trị so với trước đây. Loại gạo này được đóng thành bao 5 kg bán tại siêu thị nước ngoài.
“Giá xuất khẩu loại gạo ngon này lên tới 1.200 USD/tấn. Mức giá này thậm chí cao hơn giá gạo thơm ngon nhất của Thái Lan là Hom Mali ở một số thị trường” - ông Tâm khẳng định.
Giống lúa ST24 được trồng theo mô hình sản xuất lúa - tôm, tức vừa nuôi tôm vừa trồng lúa theo hướng hữu cơ và gần như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Mỗi năm chỉ trồng một vụ nên cho ra loại gạo chất lượng cao, thơm ngon. Đây chính là lý do mà các nước chấp nhận mua giá cao.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thông tin sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu trở lại bình thường từ đầu tháng 5, nhiều khách hàng nước ngoài tăng cường mua giúp giá gạo Việt Nam tăng mạnh. Trong đó loại gạo thơm và gạo chất lượng cao được các nước nhập khẩu nhiều nhất. Đáng chú ý, Thái Lan cũng mua gạo Việt Nam khá nhiều, đặc biệt là loại gạo Japonica.
“Giá gạo xuất khẩu hiện tăng khoảng 25%-30% so với khoảng ba tháng trước. Đơn cử gạo trắng 5% tấm, trước chỉ bán được giá 380-390 USD/tấn thì tăng lên 500-520 USD/tấn, thấp nhất cũng ở mức 480 USD/tấn. Gạo thơm cũng tăng giá, như gạo Jasmine lên mức 580-590 USD/tấn, gạo thơm chất lượng cao lên 750 USD/tấn” - ông Bình tiết lộ.
Tuy vậy, Giám đốc Công ty Gạo Việt Nguyễn Thanh Long cho rằng xuất khẩu gạo tăng cao một phần do dịch COVID-19 khiến nhiều nước mua để tích trữ lương thực. Tuy nhiên, hiện dịch bắt đầu được kiểm soát, nhiều nước đã giảm nhập. Bên cạnh đó, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn từ gạo giá rẻ Ấn Độ, Pakistan, Myanmar khi các nước này bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, Thái Lan đã bắt đầu vào vụ thu hoạch nên nguồn cung sẽ cạnh tranh hơn.
“Một số thị trường như Trung Đông, châu Âu đã giảm nhập gạo. Dự báo nửa cuối năm nay, thị trường thế giới sẽ giảm tiêu thụ, gạo Việt có thể sẽ không thuận lợi như mấy tháng qua” - ông Long nhận định.
Giá gạo Việt tăng khá mạnh một phần nhờ chất lượng được nâng lên trong thời gian gần đây. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cơ hội mới cho hạt gạo Việt
Bộ Công Thương đánh giá với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo trong năm nay. Tuy vậy, nhiều công ty xuất khẩu gạo nhận định dù chất lượng gạo Việt được nâng lên trong thời gian gần đây nhưng về tổng thể vẫn chưa thể vượt Thái Lan cả về sản lượng cũng như giá trị.
“Thời gian qua, do dịch COVID-19 nên nhiều nước cần mua nhiều gạo, trong khi Thái Lan lại gặp hạn hán nên gạo Việt mới có cơ hội vượt mặt trong ngắn hạn. Song khi hết dịch, tiêu thụ sụt giảm, nếu chất lượng gạo Việt không được duy trì và nâng cao hơn nữa thì chúng ta sẽ lại bị các nước khác như Thái Lan vượt mặt. Do vậy, gạo Việt cần phải tập trung nâng cao chất lượng chứ không nên làm ăn kiểu ăn xổi ở thì” - đại diện một doanh nghiệp nói thẳng.
EU sẽ mua thêm hàng trăm ngàn tấn gạo Việt Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, nhờ đó mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo vào thị trường này. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. |
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình nhìn nhận gạo Việt Nam có một số lợi thế như ngon, gạo mới vì một năm trồng được nhiều vụ nên gần như không có gạo tồn kho nhiều, gạo cũ như các nước khác. Gạo Việt mới đoạt giải gạo ngon nhất thế giới nên được chú ý.
Nhưng để duy trì các lợi thế này và khắc phục các điểm yếu thì ngành lúa gạo cần phát triển theo hướng bền vững. Đó là phải xây dựng liên kết chuỗi chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng được vùng trồng đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu như Global GAP. “Khi hạt gạo Việt có chất lượng cao, ổn định và đạt các tiêu chuẩn mà các nước đưa ra thì không phải lo lắng bán ế, bán giá thấp nữa” - ông Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, gạo nước ta xuất vào thị trường EU phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chất khác. Vì thế, để tận dụng được ưu đãi, gạo Việt Nam cần tập trung chất lượng, quản lý tốt vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cũng đồng tình cho rằng giá gạo Việt cao là một trong những bằng chứng cho thấy Việt Nam có đủ sức làm ra hạt gạo chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Ông cũng đánh giá Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mở ra thị trường lớn châu Âu cho gạo Việt Nam. Hiện gạo Campuhia, Myanmar không còn được miễn thuế nhập khẩu vào thị trường này và đây là cơ hội cho gạo nước ta.
Nhưng để cạnh tranh với gạo Thái Lan, Nhà nước cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, nhà khoa học làm thương hiệu gạo Việt. “Việt Nam có gạo ngon nhất thế giới là ST24 và ST25. Người tiêu dùng trong nước đã biết, đã đổ xô đi mua thì phải làm sao quảng bá cho thế giới biết” - GS Xuân nhấn mạnh.
Năm tháng, xuất khẩu gạo mang về hơn 1,4 tỉ USD Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1-5. Cụ thể, mặt hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu trong tháng 5 tăng 47% về lượng, tăng hơn 55% về giá trị so với tháng 4. Tính chung năm tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,4 tỉ USD, tăng 17% về giá trị và tăng 4% về lượng so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong tháng 5 đạt bình quân 527 USD/tấn, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã có bước chuyển tích cực. Hiện lượng gạo cao cấp và gạo thơm chiếm trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%. Trong khi cách đây 10 năm, tỉ lệ xuất khẩu gạo cao cấp, gạo thơm chiếm chưa đến 10%. |