Một năm bước vào nghề báo, tôi trở lại thăm mộ ông, tình cờ gặp học trò cũ Trường Petrus Ký cùng cháu trai đời thứ tư của nhà bác học duy nhất xứ Đông Dương thế kỷ 19.
Ông Nguyễn Kim Tiếp (Travis), một Việt kiều Mỹ, hồ hởi khi biết tôi cũng đến thăm cụ Trương. Đi quanh ngôi mồ gần như hình lục giác, ông Tiếp ngóng vào như cách ông vẫn làm hồi đi học và mỗi lần trở về Việt Nam. Biết có thể mở cửa vào thăm, ông Tiếp mừng hỏi: “Được hả cô?”.
Đây là lần thứ hai tôi đến thăm mộ cụ Trương Vĩnh Ký. Làm nghề nên nhớ về bậc tiền bối. Là hậu sinh, điều ít nhất tôi có thể làm là thăm ông mỗi khi cần điểm tựa về thiên lương và nhiệt huyết cho nghề. Ai cũng nên có đức tin, tôi nghĩ thế.
Ba phiến đá lớn lát bằng phẳng giữa nhà là mồ của học giả Trương Vĩnh Ký, vợ và con trai.
Một năm trước, qua xin phép tôi được chị chủ nhà trao chìa khóa để tự mở cửa vào thăm mộ. Lần này lại gặp một người đàn ông tuổi ngoài 60, gương mặt khó nhằn dò xét hai người lạ ất ơ từ đâu tới.
Ông cẩn thận mở ổ khóa trên cánh cửa sắt màu xanh tròn 80 tuổi. Giữa nhà mồ là ba phiến đá lớn lát bằng phẳng, phía dưới là nơi an nghỉ của nhà ngôn ngữ học thông thạo 28 thứ tiếng, hai bên là phần mộ của vợ và con trai. Ông Trương Minh Đạt là cháu đời thứ tư của học giả Trương Vĩnh Ký giải đáp từng thắc mắc, tò mò của chúng tôi về nhà mồ và cụ Trương. Vẻ đăm đăm trên gương mặt ông biến dần, chỉ còn lại vẻ niềm nở, tự hào về ông cố. Trước ba phiến đá, ba con người lạ mặt cúi đầu khấn niệm.
Nhớ về ngày trẻ, ông Tiếp hay đi dạo qua cổng nhà mồ và đặt hàng chục câu hỏi về người thầy đã trở thành tên trường, tên đường gắn bó. Đến khi xuất ngoại, cựu học sinh Trường Petrus khắp nơi trên thế giới cố gắng liên lạc qua Internet, hằng năm rủ nhau về thăm trường cũ (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), đứng trước nhà mồ bình lặng nghĩ về ngày xưa. Ký ức Sài Gòn cùng lòng ngưỡng mộ học giả họ Trương trở thành hành trang cho họ mỗi lần xa xứ.
Ông Đạt chủ nhà cũng kể rằng trước năm 1960 có nhiều đoàn học sinh thường xuyên đến thăm mộ cụ Trương nhưng sau đó vắng dần. Bây giờ, nhiều học sinh cũ Trường Petrus ngày xưa ở nước ngoài về cũng như những cựu học sinh trong nước nay đã lớn tuổi cũng thường ghé thăm nhà mồ của cụ. Mỗi năm, theo đạo Công giáo, con cháu dọn dẹp, lau chùi nhà mồ vào ngày 1-11 như dịp Thanh minh của đạo Phật. Ông Tiếp vội vã ghi chú lại để thông báo cho hội bạn Trường Petrus. Ông bật máy ghi âm, trịnh trọng cảm ơn người cháu đời thứ tư của cụ Ký vì đã giữ gìn nhà mồ và nồng hậu đón ông. Bằng một cách vô hình, chúng tôi thầm mến nhau vì đã đến và tri ân người đã khuất.
Trước lúc ra về, ông Tiếp còn nán lại chụp dòng chữ Latin ghi trên cửa nhà mồ: “Xin hãy thương xót tôi, hỡi các anh chị là những người bạn của tôi” (Miseremini Mei Saltem Vos Amici Mei).
Ở Sài Gòn, từ thời Pháp đến nay do loạn lạc, chiến tranh đã mất quá nhiều di tích cổ. Nhà mồ của cụ Trương còn giữ được đến ngày hôm nay quả là điều may mắn cho nhũng người hậu sinh còn chút gì đó của lịch sử để học hỏi, để tự hào về một học giả của đất Sài Gòn - Gia Định nói chung và của Nam bộ nói riêng. Công hay tội của cụ Trương hãy để lịch sử làm nhiệm vụ nhưng những di tích là phần thiêng liêng của vùng đất này.