Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc có nhiều ý kiến cho rằng cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang xuống cấp và cần thực hiện thu phí trở lại trên tuyến cao tốc này, ngày 15-8, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh: “Dù thu phí hay không thì đơn vị quản lý cũng phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông như đường được êm thuận, hệ thống chiếu sáng đầy đủ... Còn xe đông thì chúng ta phải điều chỉnh tốc độ cho phù hợp”.
Đơn vị này thừa nhận việc không thu phí đã khiến lưu lượng xe tăng cao so với trước đây. Tổng cục giao trách nhiệm cho Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Trung Lương) theo dõi, kịp thời sửa chữa các hư hỏng nếu có nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện.
Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thiện đề án khai thác đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Việc không thu phí đã khiến lưu lượng xe tăng cao so với trước đây. Ảnh: HTD
Trước đó Bộ đã giao Tổng cục nghiên cứu giải pháp để thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ đối với người sử dụng đường cao tốc. Tuy nhiên, giải pháp do Tổng cục trình hồi cuối tháng 7 lại chưa có các nội dung về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật để có thể thực hiện việc thu phí. Hơn nữa, Tổng cục chưa đưa ra cơ sở để làm rõ việc mức phí đề xuất không trùng lặp với thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hiện nay đang áp dụng.
Để khẩn trương hoàn thiện đề án khai thác đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục phải căn cứ trên cơ sở kết quả xác định về tỉ lệ kinh phí quản lý, bảo trì giữa tuyến cao tốc và đường quốc lộ thông thường, kết quả xác định lợi ích người sử dụng cao tốc so với đường quốc lộ thông thường.
Trên cơ sở phân tích chi tiết các quy định pháp luật hiện hành và các tồn tại, vướng mắc, Tổng cục đề xuất cụ thể về các quy định pháp luật cần hoàn thiện, bổ sung (hình thức văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền ban hành...) nhằm đảm bảo việc tổ chức thu phí được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Trung Lương), cho biết đơn vị đã hai lần đề xuất để thu phí trở lại.
“Về góc độ quản lý, trong quá trình khai thác, khi thấy các bất cập thì chúng tôi đề xuất sớm thu phí trở lại. Cao tốc dừng thu phí từ đầu tháng 1 thì đến tháng 3 phương tiện bắt đầu tăng lên đột biến. Chúng tôi lo lắng vì lưu lượng xe quá đông, đã hai lần đề xuất thu phí trở lại vào tháng 4 và tháng 6” - ông Thành nói.
Theo ông Thành, các vấn đề về phương án tài chính, kế hoạch… sẽ do Tổng cục Đường bộ trình Bộ GTVT. Bộ GTVT là đơn vị quyết định.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết từ khi không thu phí, lưu lượng phương tiện đổ về cao tốc rất lớn. Xe lớn và nhiều nên các phương tiện lưu thông không đảm bảo tốc độ tối thiểu cũng như giới hạn tốc độ tối đa. Từ đó gây ra những vị trí ùn tắc cục bộ, rất nguy hiểm.
“Đường cao tốc có những xe chạy tốc độ trên 100 km/giờ và có xe chạy 60 km/giờ nên rất nguy hiểm khi chuyển làn. Sở đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tốc độ trên đường cao tốc” - ông Tuấn nói.