Gặp tai nạn, 5 điều không nên làm

1: Rời khỏi hiện trường

Hãy lấy ví dụ bạn vướng phải một tai nạn nhỏ, xe chỉ bị móp vài chỗ và có vẻ như không ai bị thương. Bạn nghĩ rằng đây chỉ là va chạm bình thường và lái xe đi.
Trên thực tế, bạn không nên làm vậy. Nếu như xảy ra tai nạn, bạn cần phải dừng lại, kiểm tra mức độ thiệt hại của các bên liên quan và gọi cho cảnh sát. Nếu không, bạn đã phạm luật. Ngoài ra, trong các tai nạn nghiêm trọng hơn, bạn cũng nên trợ giúp về y tế cho người bị thương, hoặc chở họ tới bệnh viện nếu cần thiết (nhớ chụp hình lại hiện trường trước khi làm vậy để có bằng chứng khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền và bảo hiểm sau này). Và nên nhớ, đừng bao giờ "bỏ của chạy lấy người"!

2: Không gọi cảnh sát và cứu thương

Nhiều người có thói quen tự dàn xếp với nhau sau khi xảy ra tai nạn, và không gọi cảnh sát hay cứu thương tới hiện trường. Đây là một ý tưởng tồi.
Bằng việc gọi cảnh sát tới, bạn có thể đảm bảo rằng hiện trường của vụ tai nạn sẽ được giữ nguyên và điều tra một cách cẩn thận. Điều này sẽ có lợi cho bạn khi làm việc với bảo hiểm sau này, đặc biệt khi bạn là người không có lỗi trong tai nạn. Ngoài ra, một số người có thể bị những chấn thương mà mắt thường không thể nhìn thấy, chính vì vậy việc gọi cấp cứu là không thừa một chút nào.
Sau khi xảy ra tai nạn, bạn nên gọi ngay vào số 113 để thông báo trước, sau đó mới gọi 115 để hỗ trợ những người bị thương trong trường hợp cần thiết.

3: Mất bình tĩnh

Trải qua một vụ tai nạn giao thông không phải là một cảm giác dễ chịu. Sau khi tai nạn, bạn có thể bị chi phối bởi cảm xúc, "máu nóng" dồn lên não và thậm chí là bị thương. Tuy nhiên, hãy cố gắn đừng mất bình tĩnh, đặc biệt trước mặt người lái khác, kể cả khi tai nạn xảy ra do lỗi của họ.

Khi làm việc với những tài xế khác, đầu tiên bạn hãy cố tỏ ra lịch sự và hỏi xem họ có bị thương không? Đừng nhảy ngay ra khỏi xe và ngay lập tức đổ tội cho họ hay hét vào mặt họ. Thái độ như vậy sẽ chả đem lại cho bạn điều gì, thậm chí còn khiến bạn vướng phải nhiều rắc rối hơn. Hãy thở sâu và lấy lại bình tĩnh. Bạn cần phải có một cái đầu "lạnh" để có thể bình tĩnh xem xét hoàn cảnh. Hãy chắc chắn rằng tất cả mọi người đều an toàn, cư xử lịch sự nhưng giữ thế phòng thủ để tránh bất lợi.

4: Không nắm được những thông tin chi tiết xung quanh tai nạn

Bạn đã ở lại hiện trường, gọi 113 và tỏ ra lịch sự với tài xế khác. Vậy bạn phải làm gì tiếp theo? Hãy tìm cách thu thập lại các thông tin chi tiết xung quanh tai nạn và ghi lại chúng.

Thử bình tĩnh lại và nhớ xem điều gì đã xảy ra. Bạn đang làm gì trước khi tai nạn xảy ra? Bạn đi từ đường phố nào ra, và đang định đi tiếp về hướng nào?... Bạn sẽ cần phải nắm được chính xác những điều này để trình bày lại với các cơ quan có thẩm quyền và công ty bảo hiểm. Nếu có thể hãy học thuộc lòng, vì chắc chắn bạn sẽ phải trình bày những điều này vài lần.
Ngoài ra, bạn cũng phải nắm được những thông tin của những người lái xe còn lại, bao gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số CMND. Hãy nhớ cả loại xe, hãng sản xuất, màu sơn và biển số của họ nữa. Có ai đang đứng tại hiện trường đã chứng kiến từ đầu đến cuối tai nạn không? Nếu có thể, hãy xin họ làm nhân chứng, đồng thời lấy tên và số điện thoại của họ. Nếu bạn đem theo máy ảnh hay điện thoại có camera, đừng quên chụp ảnh hiện trường một cách chi tiết. Tất cả những điều trên sẽ đem lại rất nhiều lợi thế cho bạn sau này.

5: Không lường trước những rắc rối sau tai nạn

Trải qua tai nạn đã khó khăn tuy nhiên việc phải giải quyết một đống các vấn đề liên quan sau tai nạn sẽ còn khiến bạn mệt mỏi hơn nhiều. Chính vì vậy, hãy cố gắng lường trước được những điều bạn sẽ phải trải qua sau khi tai nạn.

Đầu tiên, bạn có cảm thấy đau ở đâu vài ngày sau khi tai nạn không? Hãy đến bệnh viện để khám sức khoẻ tổng thể, vì bạn sẽ cần giữ được thể trạng tốt để có thể đối phó với cả "núi" vấn đề trước mắt. Nếu bị đe doạ, đổ tội hay bị kiện bởi các tài xế khác, bạn cần thuê cho mình một luật sư. Những điều bạn thu thập ở trên sẽ tỏ ra vô cùng hữu ích truong trường hợp này.

Ngoài ra, hãy nhớ làm việc với bảo hiểm càng sớm càng tốt, và đem xe đến xưởng sửa chữa ngay, vì nhiều công ty bảo hiểm thường có những điều khoản liên quan tới thời gian thông báo tai nạn. Hãy liên lạc thường xuyên với cả hai đơn vị này, vì bạn đang muốn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng nhất và trở lại với cuộc sống bình thường.

Theo Quang Nam (VOV Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm