Ngày 16-5, TAND TP Cà Mau đưa ra xét xử sơ thẩm lại vụ án đòi nợ lẫn nhau giữa Công ty thi công điện gió và chủ đầu tư điện gió Bạc Liêu - Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý). Trước đó, ngày 20-3, tòa này đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm nhưng do thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên tạm hoãn, nay xử lại.
Tại phiên xử, phía nguyên đơn là Công ty Cổ phần Vận tải liên hiệp Huy Hoàng, TP.HCM (gọi tắt Công ty Huy Hoàng) bảo vệ quan điểm khởi kiện ban đầu đòi Công ty Công Lý phải trả mình số nợ hơn 86 tỉ đồng.
Đây là số tiền, theo phía nguyên đơn gồm khoảng 59 tỉ đồng tiền thực hiện Hợp đồng số 33, vận chuyển trong nước, thi công lắp đặt 52 trụ điện gió mà Công ty Công Lý còn nợ. Hơn 8 tỉ đồng tiền lãi cho việc chậm trả số nợ trên và hơn 18 tỉ đồng khác là tiền công vận chuyển lắp đặt hai trụ điện gió mà Công ty Công Lý cho rằng có trầy xước nên chưa chịu thanh toán, chờ xử lý sau.
Điện gió Bạc Liêu lúc đang thi công. Ảnh: Trần Vũ
Trong khi đó, phía Công ty Công Lý lại phản tố cho rằng đã thanh lý Hợp đồng số 33 với Công ty Huy Hoàng, không còn nợ đồng nào. Ngược lại, quá trình thi công Công ty Huy Hoàng còn nợ lại Công ty Công Lý khoảng 50 tỉ đồng tiền thuê cần cẩu siêu trường siêu trọng.
Mấu chốt của vụ án nằm ở chỗ biên bản thanh lý hợp đồng được hai bên ký ngày 5-4-2017, với nội dung hai công ty trên đã thanh lý Hợp đồng số 33, với giá trị thanh toán cho nhau còn lại là 0 đồng.
Phía Công ty Công Lý lấy biên bản này làm bằng chứng không còn nợ Công ty Huy Hoàng. Trong khi Công ty Huy Hoàng cho rằng đó là một biên bản vô hiệu, do hai bên từng có sự thỏa thuận ngầm ký như vậy để phía Công ty Công Lý giải quyết vấn đề riêng của mình trong một vụ khủng hoảng truyền thông hồi tháng 4-2017. Tuy nhiên, phía Công Lý bác bỏ lập luận này của Huy Hoàng.
Ở phần phản tố, Công ty Công Lý giữ quan điểm đòi Công ty Huy Hoàng trả mình số tiền hơn 50 tỉ đồng. Bao gồm Hợp đồng số 48 thuê cần cẩu và sà lan với giá trị 61 tỉ đồng, trừ phần Công ty Huy Hoàng đã thanh toán khoảng 11 tỉ đồng. Công ty Huy Hoàng phản biện cho rằng Công ty Công Lý đã tính nhầm, trùng lặp phần thuê sà lan, vì thuê sà lan không phải của Công Lý mà của một đơn vị khác.
Về phần hai trụ điện gió bị trầy xước do Công ty Huy Hoàng gây ra trong quá trình thi công, phía Công ty Công Lý không đồng ý thanh toán cho đến khi nào Công ty Huy Hoàng thay mới hoàn toàn cả hai trụ này. Bởi theo Công ty Công Lý, dù có sửa chữa, được phía nhà cung cấp thiết bị điện gió GE xác định đủ tiêu chuẩn của nhà sản xuất nhưng năng suất phát điện bị ảnh hưởng giảm hơn từ 1% đến 2% so với các trụ nguyên vẹn nên đề nghị phải thay mới thì phía Công Lý mới chịu thanh toán số tiền hơn 18 tỉ đồng còn lại.
Phản biện lập luận này, phía Công ty Huy Hoàng nói trước tòa: "Trước đây, Công Lý đã đồng ý cho chúng tôi sửa chữa, có sự giám xác và xác định sửa chữa hoàn tất của GE. Nhà cung cấp thiết bị này cũng đã xác định hai trụ này sau sửa chữa đạt tiêu chuẩn của nhà sản xuất và đã chấp thuận đưa vào vận hành. Nay lại buộc chúng tôi thay mới là vô lý, trái cả đạo lý". Phía Công Lý lập luận: "Chúng tôi chấp nhận cho sửa chữa vận hành như vậy là để giảm thiệt hại cho cả hai bên".
Trong khi đó, phía Ngân hàng H., đơn vị cho Công ty Huy Hoàng vay tiền thực hiện dự án với Công ty Công Lý lo mất tiền bởi biên bản thanh lý ngày 5-4-2017. Đại diện phía Ngân hàng H. cho rằng lý ra, mọi thanh toán của Công Lý cho Huy Hoàng tại Hợp đồng số 33 đều phải qua tài khoản của Huy Hoàng mở tại Ngân hàng H., để nơi đây thu hồi nợ vay.
Nhưng biên bản thanh lý hợp đồng ngày 5-4-2017 thể hiện Hợp đồng số 33 còn 0 đồng, trong khi phía Huy Hoàng vẫn còn nợ ngân hàng này bạc chục tỉ đồng tiền vay để thực hiện dự án với Công ty Công Lý. Tuy nhiên, luật sư phía Công Lý cho rằng đó là việc của ngân hàng với Huy Hoàng. Phía Công Lý chỉ nhận được các thông báo đơn phương từ Ngân hàng H. chứ không có thỏa thuận như đại diện Ngân hàng H. nói.
Người đại diện Ngân hàng H. cũng đã nói trước tòa: "Chúng tôi đang xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thanh quyết toán giữa hai công ty đối với Hợp đồng số 33. Và sẽ nhờ cơ quan điều tra can thiệp nếu rõ là có sự thanh toán bất thường như biên bản ngày 5-4-2017, khiến ngân hàng chúng tôi có nguy cơ không thu hồi được số nợ vay bạc chục tỉ đồng".
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở vụ đại diện Ngân hàng H. về phát ngôn trên. Phía Công ty Công Lý cũng lên tiếng phản ứng vì cho rằng phát ngôn như vậy là gây ảnh hướng đến uy tín của hai công ty, đặc biệt là với Công Lý, đang xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.
Phản biện với nhau về chứng cứ mấu chốt nhất của vụ án, tức biên bản thanh lý hợp đồng ngày 5-4-2017, luật sư hai phía có quan điểm, lập luận trái ngược nhau. Bên nguyên cho rằng thanh lý hợp đồng kinh tế không chỉ có biên bản thanh lý, mà còn phải có hồ sơ đối chiếu công nợ, các hóa đơn, chứng từ thể hiện rõ việc nghiệm thu, thanh toán từng phần việc. Trong khi phía bị đơn lại bảo trên thực tế không nhất thiết như vậy, tùy tình huống, tùy vấn đề mà người ta có cách thanh lý hợp đồng phù hợp.
Đúng 10 giờ sáng mai, 17-5-2018, tòa sẽ tuyên án.