Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã kéo dài hơn ba tuần. Điều khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nhất lúc này chính là tình hình nhân đạo trên Dải Gaza.
Tình hình Gaza “tuyệt vọng từng giờ”
Tính đến ngày 30-10, xung đột đã làm hơn 8.000 người ở Dải Gaza thiệt mạng, trong đó có gần 3.400 trẻ em, kênh Al Jazeera đưa tin.
Mỗi ngày trung bình Israel không kích vào hàng trăm mục tiêu ở Dải Gaza. Chẳng hạn ngày 29-10, số mục tiêu ở Dải Gaza mà Israel tấn công lên tới hơn 450, đài CNN dẫn thông báo từ lực lượng Phòng vệ Israel. Theo truyền thông Palestine, trong các mục tiêu bị trúng không kích từ Israel có nhiều cơ sở hạ tầng dân sự như bệnh viện, trường học, nhà thờ Hồi giáo... gây ra rất nhiều thương vong cho dân thường.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhiều người dân ở Gaza rằng các hoạt động cứu hộ bị cản trở nghiêm trọng do liên lạc bị gián đoạn, đặc biệt là ở phía Bắc Gaza, nơi đặt các trung tâm chỉ huy của nhóm Hamas.
Trong ngày 29-10, Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết đã nhận được thông báo từ Israel yêu cầu sơ tán ngay lập tức người dân khỏi BV al-Quds, vốn là bệnh viện lớn thứ hai ở Gaza và là nơi trú ẩn của khoảng 14.000 dân thường từ khi xung đột bùng nổ.
Tờ The Times of Israel dẫn tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cuối tuần rồi rằng giai đoạn thứ hai của cuộc xung đột Israel - Hamas đã bắt đầu và mục tiêu là tiêu diệt Hamas. Israel hiện vẫn đang cấp tập chuẩn bị cho chiến dịch đổ bộ mà Israel mô tả là “từ trên không, trên biển và trên bộ” vào “bên trong, xung quanh và bên dưới Dải Gaza”. Về phía Hamas, nhóm này nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đón lực lượng Israel đổ bộ.
Bên cạnh hiểm nguy từ giao tranh, tính mạng của người dân Gaza còn bị đe dọa vì thực tế thiếu thốn đủ đường. Viện trợ nhân đạo vào Gaza vẫn hết sức nhỏ giọt. Trong ngày 29-10, có thêm 33 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza qua cửa khẩu Rafah (giáp với Ai Cập), nâng tổng số xe chở viện trợ lên 118 xe, theo Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine. Theo Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức viện trợ, số lượng này vẫn quá ít so với nhu cầu, hơn nữa không có xe tải nào chở nhiên liệu - thứ rất cần nhưng đang cạn kiệt ở Gaza.
Cùng quẫn trước thực tế phần lớn Gaza bị hoang tàn, nguồn thực phẩm, nước và thuốc men dần cạn kiệt, hàng ngàn người dân đã đột nhập các nhà kho của Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) lấy đi bột mì và các nhu yếu phẩm khác.
“Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại rằng trật tự dân sự (ở Gaza) đang bắt đầu bị phá vỡ sau ba tuần chiến tranh và bị bao vây chặt chẽ” - Reuters dẫn lời ông Thomas White, Giám đốc UNRWA.
Số trẻ em thiệt mạng ở Gaza trong xung đột Israel - Hamas (gần 3.400 trẻ) vượt quá tổng số trẻ em thiệt mạng hằng năm trong các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu trong ba năm qua (2.985 trẻ năm 2022, 2.515 trẻ năm 2021, 2.674 trẻ năm 2020). Số liệu được tổ chức nhân đạo Save the Children trích dẫn từ báo cáo thường niên của tổng thư ký LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang.
Cấp thiết kêu gọi ngừng bắn, bảo vệ dân thường
Những tiếng nói bày tỏ sự lo lắng cho sự an toàn của người dân Gaza ngày càng nhiều và bức thiết hơn.
Ngày 29-10, mô tả tình hình ở Gaza “tuyệt vọng hơn theo từng giờ”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế. Ông Guteress lên án các cuộc tấn công kinh hoàng do Hamas gây ra ở Israel, rằng “không bao giờ có lời biện minh nào cho việc giết hại, làm bị thương và bắt cóc dân thường”. Tuy nhiên, vị tổng thư ký LHQ cũng chỉ trích Israel đã “tăng cường các hoạt động quân sự” thay vì đồng ý với “một lệnh ngừng bắn nhân đạo cực kỳ cần thiết”.
Ngay sau khi có tin Israel yêu cầu sơ tán dân khỏi BV al-Quds, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi vụ việc là “đáng quan ngại” và “cầu xin một lệnh ngừng bắn hòa bình”.
Cuối tuần qua, công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan đã đến thăm cửa khẩu Rafah và kêu gọi Israel phải thực hiện “những nỗ lực rõ ràng, không chậm trễ để đảm bảo dân thường nhận được thực phẩm cơ bản và thuốc men”. Vị công tố viên cho biết ICC đang “tiến hành các cuộc điều tra tích cực” về xung đột, đồng thời cảnh báo rằng hành vi cản trở việc cung cấp hàng cứu trợ cho người dân Gaza có thể cấu thành tội phạm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29-10 cũng điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, nhấn mạnh sự cấp thiết phải bảo vệ dân thường và tăng cường dòng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại rằng Israel có quyền tự vệ nhưng phải thực hiện quyền này phù hợp với luật pháp quốc tế và “ưu tiên bảo vệ dân thường”, theo tuyên bố ngày 29-10 của Nhà Trắng.
Trước đó, cùng ngày, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Israel có nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế phải bảo vệ mạng sống của dân thường. Vị quan chức cáo buộc Hamas sử dụng dân thường làm “lá chắn sống” nhưng nói thêm rằng điều đó không “giảm bớt trách nhiệm” của Israel trong việc cố gắng bảo vệ họ.
Bộ Ngoại giao Pháp ngày 29-10 ra tuyên bố rằng bạo lực ở Bờ Tây dẫn đến việc thường dân Palestine bị giết hại và di dời cần phải chấm dứt. Pháp kêu gọi chính quyền Israel ngay lập tức có hành động bảo vệ người dân Palestine.
Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn trong ngày 30-10 về xung đột Israel - Hamas, theo CNN. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - quốc gia Ả Rập duy nhất trong Hội đồng Bảo an tìm kiếm một nghị quyết mang tính ràng buộc về lệnh “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức”.•
Israel, Mỹ phản ứng vụ biểu tình bài Do Thái ở Nga
Tối 29-10, hàng trăm người mang theo cờ Palestine tập trung bên ngoài sân bay Makhachkala (miền Nam Nga) sau khi nghe thông tin có chuyến bay chở “những người tị nạn Do Thái” từ Tel Aviv (Israel) đến Nga. Đụng độ sau đó khiến hơn 20 người bị thương và sân bay phải đóng cửa tạm thời, theo đài RT.
Cảnh sát Nga điều động hàng chục phương tiện đến hiện trường xử lý vụ việc. Bộ Nội vụ Nga điều tra hình sự vụ việc.
Văn phòng Thủ tướng Netanyahu ra tuyên bố rằng Israel “mong đợi các cơ quan thực thi pháp luật của Nga bảo vệ sự an toàn của tất cả công dân Israel và người Do Thái ở bất cứ nơi nào”. Văn phòng cũng cho biết thêm đại sứ Israel tại Nga đang làm việc với Nga để giữ an toàn cho người Israel và người Do Thái.
Bà Deborah Lipstadt, đặc phái viên của Mỹ về giám sát và chống chủ nghĩa bài Do Thái, ngày 30-10 đã lên án vụ việc và kêu gọi chính quyền Nga đảm bảo an toàn cho người Israel cũng như người Do Thái.