Ngày 27-10, lực lượng Israel tiến vào Dải Gaza nhằm triệt hạ các chiến binh Hamas. Thời điểm này, người dân ở Dải Gaza không thể liên lạc qua điện thoại và truy cập internet vì các dịch vụ này đột nhiên bị chặn. Tình trạng này xảy ra trong 34 giờ đồng hồ, gây hỗn loạn cho tình hình cứu nạn và gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân Gaza.
Đường dây nóng im bặt, bệnh viện tính dùng bồ câu đưa thư
Đường dây điện thoại khẩn cấp ngừng đổ chuông. Các nhân viên y tế vốn đã tuyệt vọng, nay còn khủng hoảng hơn khi cố gắng lái xe về phía có tiếng nổ để cứu người. Những người bị thương không thể liên lạc với ai thì đành chịu đau đớn và chết trên đường phố, theo tờ The New York Times.
Ông Mahmoud Basl - một dân phòng cho biết các đội cứu hộ buộc phải xác định vị trí các địa điểm xảy ra không kích bằng cách quan sát hướng phát ra vụ nổ. Các tình nguyện viên đã đón những người bị thương và chở họ đến bệnh viện và thông báo cho đồng đội về vị trí có người bị thương.
Theo ông Muhammad Abu Salmiya, giám đốc bệnh viện Shifa ở TP Gaza, việc mất liên lạc khiến nhiều người bị thương có thể tử vong do xe cứu thương và dân phòng không thể tiếp cận.
Trong khi đó, ông Marwan Shafiq Al-Hams, giám đốc Bệnh viện al-Najjar ở Rafah, phía nam Gaza nghĩ đến giải pháp sử dụng bồ câu đưa thư.
“Tôi nghĩ chúng ta đang quay trở lại thời kỳ đồ đá. Chúng tôi hiện đang cân nhắc nghiêm túc việc sử dụng chim bồ câu đưa thư hoặc yêu cầu các nhà thờ Hồi giáo thông báo cho chúng tôi bằng loa phát thanh về vị trí của những người bị thương” - ông Al-Hams nói.
Tại TP Khan Younis, phía nam Gaza, các nhân viên của Bộ Y tế tập hợp trên các ngọn đồi để quan sát và đánh giá nơi xảy ra các cuộc tấn công và nơi nào sẽ cần xe cứu thương tới đón.
Giữa bom đạn bủa vây, dân không thể cầu cứu ai
Trong 34 giờ đồng hồ, hầu hết hơn hai triệu người Palestine sống ở Gaza không có cách gì để liên lạc với thế giới bên ngoài hoặc kết nối với nhau. Họ cũng không có cách nào để biết những người thân của mình còn sống hay chết.
“Trong lúc mất liên lạc, chúng tôi bị các vành đai lửa bao vây từ khắp mọi hướng… Chúng tôi không nghĩ là mình còn sống để trả lời cuộc phỏng vấn này. Toàn bộ khu vực lân cận đã bị đánh bom” - ông Yasser Wahidi, người dân sống ở Tal al-Zaatar phía bắc Gaza, nói với tờ The Washington Post.
Ông Wahidi kể lại rằng nhà hàng xóm ông đã trúng đạn do không kích của Israel, 7 người trong gia đình này đã chết. Ông Wahidi tin rằng nhiều người đã thiệt mạng và nhiều người đang mắc kẹt dưới đống đổ nát trong ba ngày qua ở Tal al-Zaatar.
Bà Warda, không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do nhạy cảm, nói với The Washington Post rằng khi bị mất kết nối internet, bà đã nghĩ rằng cuộc đời mình và gia đình sẽ chấm dứt mà không ai có thể biết.
“Ở đây không có một phút nào yên lặng. Các vụ ném bom phá hoại cứ tiếp tục… Bọn trẻ thì rất sợ hãi và hoảng loạn” - bà Warda chia sẻ.
Người phụ nữ này nói rằng bà có biết về những lời cảnh báo của Israel nhưng cho biết gia đình bà không thể di chuyển về phía nam vì chi phí đi lại đắt đỏ và có về phía nam thì cũng không tránh được các cuộc không kích.
Ông Abdulmajeed Melhem, giám đốc điều hành công ty viễn thông Paltel Group của Palestine, cho biết tín hiệu điện thoại và mạng internet tự động khôi phục vào khoảng 4 giờ sáng 29-10.
Ông nói rằng công ty đã không sửa chữa và chưa lý giải được tại sao dịch vụ lại hoạt động trở lại một phần. Ông cũng cáo buộc Israel chịu trách nhiệm về vụ mất các tín hiệu này.
Các quan chức Israel cho đến nay vẫn từ chối bình luận về cáo buộc cho rằng họ cố tình gây ra vụ việc. Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết Mỹ đã kêu gọi Israel làm mọi cách để khôi phục liên lạc.
Ngày 29-10, ông Ashraf al-Qidra, phát ngôn viên của Sở Y tế Gaza cho biết, hơn 8.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, trong đó có hơn 3.000 trẻ em.
Ông al-Qidra nói rằng sau khi tín hiệu điện thoại và mạng internet khôi phục trở lại, đội cứu thương và dân phòng đã tìm thấy hàng trăm người chết và bị thương nằm trên mặt đất hoặc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.