LTS: Người ta bảo có yêu mới có ghen. Nhưng ghen làm sao để vừa giữ được một nửa của mình, vừa tạo thêm chút gia vị đậm đà cho tình yêu thì cái ghen mới có giá trị. Tiếc thay, nhiều trường hợp ghen quá hóa cuồng, cuối cùng xôi hỏng bỏng không, tan đàn xẻ nghé…
Nếu như trước đây, ghen tuông lứa tuổi học trò chỉ dừng lại ở việc giận hờn vu vơ hoặc cùng lắm là dọa nghỉ chơi với nhau thì bây giờ, học trò thể hiện cơn ghen bằng những việc làm quá dã man, bạo liệt. Không chỉ dừng lại ở những hành động đánh đập, xé áo, quay phim tung lên mạng…, nhiều bạn trẻ sẵn sàng vác dao gây án đến kinh người. Chỉ cần gõ từ khóa “học sinh giết người vì ghen” thì Google cho ra hơn 800.000 kết quả. Đây quả là hiện tượng đáng báo động.
Hễ ghen là… xử đẹp
Cuối năm 2010, một vụ án mạng do ghen tuông xảy ra ở TP.HCM do Lê Nguyễn Văn Dư, 15 tuổi, học viên Trường CĐ Nam Sài Gòn, gây ra. Nạn nhân là em Đặng Hoàng Tiến, cũng tuổi 15, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3. Chỉ vì thấy Tiến thường chở một người bạn gái mà Dư đem lòng yêu thương, Dư đã dùng dao đâm chết Tiến. Sau khi gây án, Dư được gia đình đưa đến công an đầu thú. Khi được hỏi về động cơ gây án, Dư đã khai vì ghen tuông nên tìm cách gây hấn với Tiến. Dư thường xuyên đem theo dao trong cặp để tìm cơ hội thanh toán “tình địch”. Trong một chiều trên đường đi học về, Dư và một số người bạn chặn đầu xe của Tiến. Thấy hoảng nên Tiến bỏ chạy và bị Dư đuổi đánh. Con dao mà Dư thủ sẵn trong cặp đã trở thành hung khí của vụ án.
Một vụ khác xảy ra năm 2009 tại Hải Dương. Nạn nhân là Trần Văn Tâm, học sinh lớp 12 Trường THPT bán công Kim Thành, còn hung thủ là bạn học cùng lớp tên Bùi Văn Huy. Huy và N. vốn yêu nhau từ trước nhưng sau đó Tâm lại theo đuổi N. Vì ghen tị Tâm là con nhà giàu, sợ mất N. nên Huy tìm cách giết Tâm. Biết tối ấy Tâm sẽ đến phòng trọ của N. chơi nên Huy và một người bạn đã lên kế hoạch. Đúng như dự liệu, do N. không có ở phòng nên Tâm sang phòng của Huy để đợi. Tâm đang cầm điện thoại để chơi điện tử, Huy và bạn đã khóa trái cửa, dùng dây siết cổ Tâm đến chết rồi mang xác dìm xuống lòng sông để phi tang. Khi bị triệu tập lấy lời khai, Huy chối bỏ hành vi tội ác, đến chừng người bạn đồng phạm thú nhận, Huy mới chịu khai sự thật.
Từ túm tóc, kéo tai… đến đánh hội đồng, lột quần, xé áo. Ảnh: INTERNET
Cuối năm 2010, TAND tỉnh Bình Định cũng đã xét xử hai bị cáo học trò về tội giết người. Trước vành móng ngựa là Nguyễn Quốc Cường và Phan Hoài Hảo đều mới 15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Tây Sơn. Nguyên nhân sự việc như sau: Hảo có quen một bạn gái trong trường, bạn gái này từng có người yêu tên Đồng. Do Đồng vẫn thường hay nhắn tin với người “tình cũ” nên Hảo nổi xung tìm Đồng để “đánh ghen”. Hảo rủ Cường và một số bạn học đi tìm Đồng. Do không biết mặt Đồng nên Hảo và Cường đã đánh nhầm một học sinh khác. Hậu quả là cậu học sinh này bị đâm một nhát dao ở sau lưng và chết trên đường đi cấp cứu. Với hành vi tội ác này, Hảo bị xử 10 năm tù, Cường 11 năm tù về tội giết người.
Trước đó, vào năm 2007, TAND tỉnh Quảng Ngãi cũng từng tuyên phạt 10 năm tù với bị cáo Thái Công Hoàng, 16 tuổi, học sinh lớp 11 Trường THPT Sơn Hà. Chỉ vì người khác chọc ghẹo bạn gái của Hoàng mà ngay hôm sau, cậu ta cùng một số người bạn quay lại đâm chết người đó…
Quyền sở hữu
Theo ThS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cái tôi vốn là bản sắc riêng, là nét độc đáo của những thế hệ có cá tính mạnh như 9X, 8X, 7X... Khi cái tôi trong tình yêu quá lớn, các bạn trẻ thường mong muốn người yêu phải phục tùng mình, thường tỏ ra mạnh mẽ nhưng lại cũng rất dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, khi tình cảm bị rạn nứt, một trong hai người có những mối quan hệ mới thì lòng tự trọng của người kia bị tổn thương và họ sẵn sàng có những hành vi đáp trả. Đồng thời, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng và chủ nghĩa cá nhân nên các bạn trẻ thường cho rằng khi yêu một ai đó cũng chính là xác lập quyền sở hữu, bất khả xâm phạm đối với người đó. Do vậy khi xuất hiện người thứ ba, các bạn trẻ sẽ tìm cách để xác lập và khẳng định lại quyền sở hữu, kể cả bằng hành động bạo lực, giết người.
“Có thể giải thích tình trạng này là do tác động của văn hóa bạo lực từ phim ảnh, báo chí và các trò chơi điện tử trên Internet. Bên cạnh đó, do hệ thống giá trị sống của giới trẻ ngày nay thường đề cao các giá trị cá nhân nên khi có chuyện không hài lòng, các bạn trẻ thường chỉ biết hành động để thỏa mãn cảm xúc mà không nghĩ đến hậu quả. Ngoài ra, sự thiếu hụt các kỹ năng sống như kỹ năng kìm chế cảm xúc, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng ứng xử cũng là nguyên nhân khiến cho giới trẻ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn khi ghen tuông, thậm chí có ý nghĩ giết người” - ThS Quân lý giải.
Theo ThS Quân, để hạn chế được tình trạng ghen tuông có kèm theo hành vi bạo lực thì xã hội cần định hướng giá trị sống cho giới trẻ một cách phù hợp. Trong gia đình, cha mẹ cần phải biết cách làm bạn cùng con để chia sẻ các vấn đề trong tình yêu cũng như cuộc sống của con cái. Cha mẹ phải là tấm gương phản chiếu về tình yêu thương, một tình yêu đẹp và trong sáng để trẻ em có thể noi theo.
Đồng tình, chuyên viên tâm lý Lê Minh Công (Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, Đồng Nai) lại cho rằng hiện nay vẫn còn một số bậc cha mẹ còn có quan niệm rằng tình yêu học trò là rất xấu và không được phép. Chính điều này đã làm cho các em mất một nguồn thông tin chính thống và sự chia sẻ từ người lớn quan niệm về tình yêu. Từ đó các em chỉ tự tìm hiểu từ các nguồn không chính danh, đôi khi nó lại là những thông tin tiêu cực nên bị ảnh hưởng. Từ đó quan niệm về tình yêu bị sai lệch.
Mặt khác, trẻ em ngày nay được tiếp cận rất sớm với cuộc sống và các phương tiện truyền thông khác nên dễ bị tác động bởi những hành vi bạo lực. Trẻ sẽ có xu hướng đề cao sức mạnh thể xác. Vì vậy khi có những xung đột xảy ra trong cuộc sống cũng như trong chuyện tình yêu, các em thường có xu hướng dùng các hành vi bạo lực để xử lý. Ngoài ra, hiện nay một bộ phận gia đình có cuộc sống không hòa thuận, giá trị gia đình bị xem nhẹ, các em phải sống cô đơn, thiếu sự yêu thương, chia sẻ từ cha mẹ, anh chị cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành vi đáng tiếc nêu trên. “Tôi cho rằng các phương tiện truyền thông hiện nay đăng tải quá nhiều hành vi bạo lực mà thiếu đi những câu chuyện cảm động về tình yêu. Tôi đã từng gặp nhiều em có tình yêu rất đẹp, cùng nâng đỡ nhau phát triển. Có những em trai có bạn gái ốm đau vẫn động viên chia sẻ, cùng nhau phấn đấu để vượt qua hoàn cảnh. Nếu như các câu chuyện này được sẻ chia để định hướng về giá trị tình yêu cho giới trẻ thì sẽ tốt đẹp hơn nhiều” - ông Công bày tỏ.
Có thể quên nhưng không thể tha thứ! Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt (TP.HCM), có hơn 70% bạn nam cho rằng mình có thể quên nhưng không thể nào tha thứ nếu một trong hai người có mối quan hệ đặc biệt với người thứ ba. 65% bạn nữ thì cho rằng mình có thể tha thứ nhưng không thể nào quên nếu một trong hai người có mối quan hệ với người thứ ba. Thậm chí có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ coi tình yêu dường như chỉ là một thứ “trời cho” và sẽ sẵn sàng kết thúc “trò chơi” đó khi không còn thấy hứng thú nữa. |
HUYỀN VI