Giá 45 loại thuốc bình ổn thấp hơn thị trường 10%

Sáng 1-5, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức buổi đối thoại “Nói và làm” về chủ đề bình ổn giá thuốc Tây trên địa bàn TP.

Giữ giá thuốc bình ổn ít nhất một năm

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế, những nhà thuốc đăng ký bán hàng bình ổn giá sẽ bán các loại thuốc trong chương trình bình ổn thuộc 10 nhóm dược lý chính với 45 loại thuốc, bao gồm: nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm; thuốc trị ho; thuốc chống dị ứng; thuốc nhỏ mắt; thuốc trị đau dạ dày; trị tiêu chảy; tim mạch; tiểu đường; kháng sinh; kháng viêm Corticoid. “Giá bán tại các nhà thuốc cam kết bán bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường chung 10% ít nhất một năm. Từ năm 2002, TP bắt đầu trợ giá cho các mặt hàng bình ổn nhưng năm nay là năm đầu tiên TP bình ổn cho mặt hàng thuốc Tây sản xuất trong nước. Các mặt hàng thuốc được đưa vào chương trình là những loại thuốc mà phần đông người dân sử dụng và bán ở những nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc đạt chuẩn Thực hành tốt bán thuốc (GPP) với gần 700 nhà thuốc tham gia từ ngày 27-4” - bà Lan cho biết.

BS Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết BV thực hiện nghiêm ngặt việc đấu thầu thuốc. Khi đấu thầu xong thì đơn vị trúng thầu phải cam kết giữ giá ít nhất một năm, dù có biến động giá hay lỗ cũng phải “cắn răng” chịu.

Giải thích thêm, bà Lan cho biết tùy loại thuốc mà thặng số lợi nhuận nhiều hay ít nhưng cao nhất cũng không được vượt 20%. “Loại thuốc dưới 1.000 đồng/viên thì cho phép thặng số lợi nhuận cao nhất 20%, còn loại trên 1 triệu đồng/liều thì lợi nhuận không quá 5%. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp cho các nhà thuốc bệnh viện, nên chăng cho áp luôn với cả nhà thuốc bên ngoài” - bà Lan đề xuất.

Chương trình “Nói và làm” cuối cùng sáng 1-5 về chủ đề bình ổn giá thuốc Tây. Ảnh: Xuân Đặng

Trúng thầu: Phải giữ giá trong một năm

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng tình chuyện thặng số lợi nhuận không vượt 20% là một trong những giải pháp. “Cạnh đó, các bệnh viện phải tổ chức đấu thầu thuốc trước ít nhất sáu tháng và khi đã trúng thầu phải giữ giá trong vòng một năm. Nếu nhà thầu nào trúng thầu mà bỏ cuộc sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong hai năm” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng thông tin: Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành một nghị định riêng về đấu thầu thuốc Tây. Hiện chúng ta đang dụng quy định về đấu thầu trong xây dựng cho lĩnh vực y tế là không ổn. Bộ Y tế cũng khuyến khích “người Việt dùng thuốc Việt” để khắc phục hiện tượng coi thường thuốc nội, giảm nhập khẩu thuốc ngoại và tăng thuốc sản xuất trong nước.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo kết luận: Với 10 nhóm và 45 loại thuốc bình ổn, giá thấp hơn thị trường 10% và có bốn đơn vị tham gia tự ứng vốn trước để làm bình ổn là một tín hiệu mừng cho người dân trong giai đoạn lạm phát này. “Cần phải khắc phục tâm lý coi thường thuốc nội vì có những loại thuốc trong nước sản xuất không những xuất khẩu sang châu Phi mà còn sang cả châu Âu” - bà Thảo cho biết.

Chương trình đối thoại về bình ổn giá thuốc còn là lần phát hình cuối và khép lại chuyên mục “Nói và làm”.

Nói và làm: Phiên chất vấn nối dài

Chương trình giống như một hoạt động giám sát, một “phiên chất vấn nối dài” hằng tháng của HĐND TP. Trong bảy năm của nhiệm kỳ HĐND TP (khóa VII) có hơn 100 giờ chất vấn thì năm năm của chuyên mục “Nói và làm” cũng chừng đó thời gian chất vấn. Chương trình không phải chia “hai phe” nói và làm mà ai cũng phải nói và ai cũng phải làm. Dù đây chỉ là một kênh đối thoại nhưng cũng tạo nên áp lực cho người quản lý không chỉ từ bên ngoài mà ngay cả từ nội tại bên trong. Tâm đắc nhất của tôi về chương trình chính là… tên gọi này, nó như là một thông điệp ngắn đem lại niềm tin cho người dân và giúp cho đại biểu gần dân hơn. Hơn 10 đài truyền hình cũng đã đến học tập cách làm chương trình này. Chương trình không có kịch bản nên người tham gia phải tự chuẩn bị trước và tự nâng “tâm và tầm”, nâng sự hiểu biết của mình lên. Bản thân tôi cũng trưởng thành hơn nhiều qua năm năm “cầm trịch” chương trình này.

Chủ tịch HĐND TP PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tôi tuy làm việc ở Hà Nội nhưng tháng nào cũng mở tivi xem chương trình này. Tôi nghĩ cái hay của chương trình là ở chỗ không có kịch bản nên không thể… dàn xếp. Theo tôi, đây là mô hình hay cần nhân rộng ra cho cả nước và ngay cả Quốc hội khóa tới cũng nên học tập.

Thứ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Ý nghĩa của “Nói và làm” là để cho người dân tham gia phản biện và giám sát lại hoạt động của chính quyền. Qua đó, chính quyền cũng nghe được nhiều kênh thông tin hơn để giải quyết những bức xúc của người dân. Ví dụ, khi “Nói và làm” tổ chức ở quận 5, đã miễn thuế được cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi rào chắn tại đây, sau đó nhân rộng ra áp dụng cho cả TP.

Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HUỲNH CÔNG HÙNG

Chương trình “Nói và làm” này là sáng kiến của Thường trực HĐND TP và đúng nghĩa là một phiên chất vấn nối dài hằng tháng. Chương trình “Nói và làm” đã gắn dấu ấn cho HĐND TP.HCM (khóa VII) và cá nhân Chủ tịch Phạm Phương Thảo.

Nhà báo DƯƠNG THANH TÙNG, Phó Tổng Giám đốc HTV, người dẫn chương trình suốt năm năm qua

TRỌNG MẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới