Ngày 22-9, Ban Đô thị, HĐND TP.HCM có buổi giám sát về thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP tại TP Thủ Đức.
Nhiều vấn đề nóng liên quan đến những vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được TP Thủ Đức nêu ra. Đặc biệt là liên quan đến việc thực hiện dự án Vành đai 3.
|
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Ảnh: VH |
Dự án đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP Thủ Đức khoảng 14,7 km với khoảng hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo tiến độ chung thì không còn nhiều thời gian bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư khởi công.
Vì vậy, các địa phương có liên quan, trong đó có TP Thủ Đức đang tập trung cao độ để thực hiện đo đạc, kiểm đếm, lập hồ sơ để lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Trước đó, TP Thủ Đức đã đăng ký khởi công trước 4 km của dự án này, tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện dự án này cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, đây là dự án có quy mô lớn, hồ sơ pháp lý đất đai của người dân phức tạp. Tuy nhiên, quy định hiện nay cùng một ngày phải ký các quyết định thu hồi đất, quyết định về phương án bồi thường, quyết định phê duyệt phương án tái định cư là rất khó khăn.
"600 hồ sơ phải ký cùng một ngày là rất khó khăn, đó là chưa nói vốn bố trí cũng không thể chi trả hết cùng một lúc được"- ông Tứ nói.
|
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, việc đo đạc, kiểm đếm hồ sơ pháp lý đất đai của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VH |
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng cho biết, việc đo đạc, kiểm đếm hồ sơ pháp lý đất đai của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi phải đi bằng ghe mới tiếp cận được khu đất và cũng không dễ để xác định ranh từng thửa đất vì ở giữa ruộng sâu.
Một số trường hợp chưa xác định được chủ đất cũng gây khó khăn cho việc kiểm đếm đo đạc. Chẳng hạn, tại phường Long Trường (hai dự án thành phần 1A, 1B) có 96 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện nay phường chỉ mới thu thập thông tin 70/96 hồ sơ pháp lý thu hồi đất và quyết định tống đạt được 58/96 thông báo. Đặc biệt trong đó còn khoảng 25 hồ sơ gặp khó khăn khi tiếp cận xác minh.
Do đặc thù tuyến 1A toàn bộ thửa đất thu hồi đều là đất nông nghiệp, địa hình đi lại khó khăn, chủ sử dụng đất đã chuyển nhượng qua nhiều người, không phải người dân địa phương. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai của địa phương không đáp ứng chính xác được thông tin chủ sử dụng đất ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Một vấn đề khác TP Thủ Đức cũng rất quan tâm là chính sách bồi thường hiện nay còn có sự vênh nhau giữa TP.HCM và Bình Dương. Một nghịch lý được nêu ra là giá đất nông nghiệp tại TP.HCM được bồi thường thấp hơn ở Bình Dương.
Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết, về đơn giá bồi thường đất nông nghiệp, TP.HCM hiện nay thực hiện thẩm định giá theo cơ chế giá thị trường. Trong khi đó ở Bình Dương, hồ sơ pháp lý cũng thực hiện theo quy định chung nhưng chủ trương định giá đất nông nghiệp được thực hiện theo phương pháp lấy giá đất ở trừ đi tiền sử dụng đất thì ra số tiền bồi thường rất cao.
"Trong khi đó, lẽ ra TP.HCM phải cao hơn phía Bình Dương nhưng thực tế thì ngược lại, giá bồi thường đất nông nghiệp ở Bình Dương cao hơn TP.HCM rất nhiều. Vì vậy, dù hai tỉnh đã trao đổi nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng"- ông Tứ nói.
Ông Tứ cũng cho biết, không chỉ riêng dự án vành đai 3 mà các dự án mang tính liên vùng thì chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giữa các tỉnh rất khác biệt.
Chẳng hạn dự án Đại học quốc gia có diện tích 600 ha thì tại TP.HCM khoảng 119 ha, còn lại ở trên địa bàn Bình Dương thì đơn giá bồi thường tại hai tỉnh rất khác nhau, chính sách tái định cư cũng rất khác.
Hoặc như dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, trong khi TP.HCM sắp về đích thì Bình Dương hơn 10 năm vẫn chưa bồi thường xong.
"Dự án Vành đai 3 đi qua bốn tỉnh, sự khác biệt trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chắc chắn sẽ khiến người dân có sự so bì. Vì vậy, cần có chuyên đề bàn sâu về vấn đề này để tìm hướng tháo gỡ"- ông Tứ đề nghị.