Bồi thường đất ở dự án Vành đai 3: Từ 18 triệu đến hơn 40 triệu đồng/m2

(PLO)-  Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc bồi thường dự án Vành đai 3 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1-12-2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-9, Thường trực HĐND TP.HCM đã tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Trong đó, xuyên suốt chương trình là những thông tin xoay quanh việc BTHTTĐC cho dự án đường vành đai 3.

Đã xác định giá tạm tính để bồi thường dự án đường Vành đai 3

Vấn đề được các cử tri quan tâm nhất chính là chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Đặc biệt, làm sao để thông tin về dự án cũng như các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn được công khai, minh bạch. Người dân sau khi nhường đất để cho nhà nước phát triển kinh tế, xã hội sẽ được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Bồi thường đất ở dự án Vành đai 3: Từ 18 triệu đến hơn 40 triệu đồng/m2 ảnh 1

Các đại biểu tham dự chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời. Ảnh CTV

Liên quan đến chính sách BTHTTĐC đối với dự án xây dựng đường Vành đai 3, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT đã có những thông tin giá đất, thời hạn bàn giao ranh mốc, thời gian thực hiện BTHTTĐC đối với các loại đất, thời gian bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công dự án.

Cụ thể, về giá đất để tính bồi thường đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất ở tại dự án đường Vành đai 3 sẽ nằm trong khoảng từ hơn 18 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2.

Đối với đất nông nghiệp (chiếm tới 90% diện tích dự án Vành đai 3) thì có hai loại: đất trồng cây lâu năm có giá bồi thường từ 3,2 triệu/m2 - 8,5 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp có giá bồi thường là 3,2 triệu đồng/m2 đến 6,5 triệu đồng/m2.

Nút giao thông Tân Vạn trong dự án đường Vành đai 3

Nút giao thông Tân Vạn trong dự án đường Vành đai 3

Theo ông Trực, giá để bồi thường nêu trên tùy vào từng từng địa phương và từng vị trí cụ thể. "Đây mới chỉ là giá tạm tính để TP Thủ Đức và các huyện lập phương án BTHTTĐC, lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất. Hiện nay, các địa phương đang thuê đơn vị tư vấn để xác định giá bồi thường cụ thể trình TP xem xét", ông Trực nói.

Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc bồi thường dự án Vành đai 3 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1-12-2022. Tháng 4-2022 sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 5-2023 (khoảng 300ha).

Tháng 7-2023 các địa phương sẽ chi trả bồi thường đất ở cho người dân và bàn giao mặt bằng trước 30-12-2023 (khoảng hơn 400ha) để chủ đầu tư có thể triển khai xây lắp vào năm 2024.

Về vấn đề tái định cư, ông Trực cho biết, hiện nay TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo quỹ nhà tái định cư cho dự án. Riêng Hóc Môn và Củ Chi đang phối hợp với các sở ngành để lên phương án bố trí tái định cư tại chỗ cho dân.

BTHTTĐC dự án Vành đai 3 sẽ là kiểu mẫu để thực hiện các dự án khác

Phát biểu tại chương trình, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận, thời gian qua, chính sách BTHTTĐC khi nhà nước thực hiện các dự án còn nhiều bất cập. Trong đó có cả vấn đề giá bồi thường chưa sát giá thị trường lẫn vấn đề tái định cư cho người dân chưa thực sự ổn thỏa.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP thông tin các vấn đề về chính sách BTHTTĐC, trong đó có dự án đường Vành đai 3. Ảnh CTV

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP thông tin các vấn đề về chính sách BTHTTĐC, trong đó có dự án đường Vành đai 3. Ảnh CTV

"Chúng ta thực hiện BTHTTĐC dựa trên một khung pháp lý chung cộng thêm một số chính sách chúng ta có thể linh hoạt phù hợp với tình hình TP chứ không thể áp dụng một chính sách riêng. Đây là một bất cập mà bất cập này phải được giải quyết đồng bộ từ chủ trương, thể chế", ông Mãi nói.

Người đứng đầu TP cho biết, sắp tới TP sẽ tập trung góp ý sửa đổi Luật Đất đai, thể chế hóa những kiến nghị cho sát với thực tiễn TP. Cùng với đó, khi thực hiện Nghị quyết 18 sẽ gắn liền với việc tổng kết Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP để thu hẹp khoảng cách giữa giá thị trường và giá đền bù. Qua đó, đảm bảo hài hòa lợi ích cho người có đất bị thu hồi.

"Nếu không sửa cái nền thì sau này chúng ta sẽ tiếp tục bị vướng", ông Mãi nói.

Về vấn đề tái định cư dự án đường Vành đai 3, ông Mãi cho rằng TP sẽ rút kinh nghiệm từ những vấn đề nêu trên và sẽ làm tốt hơn công tác BTHTTĐ, làm sao đảm bảo được nguyên tắc là nơi ở mới của dân sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quỹ nhà, đất phải đồng bộ hạ tầng, phù hợp với nguyện vọng của người dân gắn với sinh kế, với học hành và các hỗ trợ khác để người dân yên tâm sinh sống.

Đối với dự án này, TP đã chỉ đạo các sở ngành và các địa phương tiến hành điều tra xã hội học, hỏi ý kiến người dân để hiểu được đặc điểm sinh kế của người dân. Từ đó, thiết kế phương án BTHTTĐC phù hợp. "Chúng tôi mong muốn việc BTHTTĐC dự án đường Vành đai 3 sẽ tạo ra một kiểu mẫu trong công tác này để áp dụng cho các dự án khác trong thời gian tới", ông Mãi nói.

Chỉ đạo chung về dự án Vành đai 3, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP đề nghị: các sở, ngành cần lưu ý, chủ động và quan tâm, hướng dẫn, thật sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao để hướng dẫn TP Thủ Đức và các huyện thực hiện công tác BTHTTĐC.

Sớm xác định ranh mốc quy hoạch, công khai đơn giá, chính sách tái định cư và thời gian thu hồi đất để người dân có sự chủ động, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân.

Cùng đó, TP Thủ Đức và các quận huyện có trách nhiệm nắm rõ từng trường hợp hộ dân ảnh hưởng bởi dự án. Qua đó, xem xét nhu cầu nguyện vọng của từng trường hợp để hỗ trợ, vận động người dân.

Người dân đã hi sinh nơi ăn chốn ở của mình cho sự phát triển của TP thì TP cũng phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm