Giả chủ kênh Youtube nổi tiếng nhận giải cứu người bị lừa đi lao động ở nước ngoài

(PLO)- Nam thanh niên lấy thông tin, giả làm chủ kênh Youtube nhắn tin dụ gia đình nạn nhân chuyển tiền với lời hứa hẹn hỗ trợ đưa người nhà bị lừa đi lao động ở nước ngoài về nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-4, theo nguồn tin của PLO, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Quốc Cương (30 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu công an xác định, Cương giả mạo chủ kênh youtube để lừa đảo tiền một gia đình ở huyện Châu Đức.

Theo điều tra ban đầu, cuối tháng 3, Công an huyện Châu Đức tiếp nhận tin báo về tội phạm do bà NTL (45 tuổi, ngụ xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) về việc con trai bà là PNH (18 tuổi) bị một người trên mạng xã hội lừa sang làm lao động ở nước ngoài (một công ty ở Myanmar-PV) vào hồi tháng 9-2023.

Sau đó, gia đình bà L nhận được yêu cầu phải chuyển 360 triệu đồng để chuộc H về.

Đến khoảng tháng 11-2023, H dùng mạng xã hội nhắn về cho gia đình nói là liên hệ với số điện thoại 0921766… để nhờ người này giải cứu đưa H về lại Việt Nam. Theo H, đây là chủ kênh youtube thường đăng các video giải cứu người Việt Nam bị lừa sang lao động ở nước ngoài.

Giả chủ kênh Youtube nổi tiếng nhận giải cứu người bị lừa sang lao động ở nước ngoài
Nguyễn Quốc Cương giả chủ kênh youtube để lừa đảo. Ảnh: PS

Sau đó, bà Lan gọi điện cho số 0921766… thì gặp một người nam tự xưng là chủ kênh Youtube có đội hỗ trợ giúp giải cứu người từ Myanmar về Việt Nam.

Người này yêu cầu bà L kết bạn zalo để trao đổi các thông tin liên quan đến H và hứa cho gia đình bà L ứng trước số tiền còn thiếu để đưa H. Người này cũng gửi cho bà L số tài khoản mang tên LE VAN PHONG mở tại một ngân hàng và yêu cầu bà chuyển tiền.

Vì tin tưởng nên gần cuối tháng 11-2023, bà L đã chuyển 160 triệu đồng vào số tài khoản trên và được người này xác nhận đã nhận. Người này gửi lại cho bà L một hóa đơn thể hiện đã chuyển 250 triệu đồng vào số tài khoản được cho là của người thuộc đội hỗ trợ giải cứu bên Myanmar.

Những ngày sau đó, bà L liên tục trao đổi về tình hình giải cứu con mình nhưng phía bên kia không trả lời và trốn tránh, cũng không trả lại số tiền đã nhận.

Nghi ngờ, bà L liên hệ với chủ kênh youtube thì được biết thông tin kênh này không sử dụng số điện thoại và số tài khoản bà L nhận được. Biết mình đã bị lừa nên bà L trình báo Công an huyện Châu Đức.

Tiếp nhận tin báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra xác minh, sàng lọc những người tình nghi. Qua đó nổi lên Nguyễn Quốc Cương. Đầu tháng 4-2024, Công an huyện Châu Đức đã phối hợp với công an địa phương triệu tập Cương lên làm việc.

Quá trình điều tra, bước đầu Cương khai nhận lấy thông tin về H trên phần bình luận ở kênh Youtube thật. Sau đó đưa nhiều thông tin gian dối, trong đó có số tài khoản để bà L nhầm tưởng và chuyển tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm