Giá cước vận chuyển tăng phi mã 13 lần vì hãng tàu 'đi đêm'?

Sau khi nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp (DN), mới đây Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có văn bản gửi các Bộ, ngành phản ánh về việc cước vận chuyển tăng quá cao trong thời gian vừa qua.

Thông tin thiếu container rỗng không chính xác

6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 155 ngàn tấn, kim ngạch đạt 500 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 7% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 41%.

Nguyên nhân lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm do sản lượng năm 2021 giảm, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đặc biệt là chi phí logistics tăng cao.

Các DN hồ tiêu lo mất thị trường trọng điểm tại Mỹ và EU do chi phí logistics tăng cao. Ảnh minh họa

Theo tổng hợp từ các DN, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hồ tiêu từ tháng 1-2021 cho tới tháng 6-2021 luôn trong chiều hướng tăng với biên độ rất cao và không có dấu hiệu ngừng lại. Hãng vận chuyển đưa lý do là hệ lụy từ dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu hụt container.

Tuy nhiên, VPA cho rằng thông tin thiếu hụt container rỗng từ các hãng tàu đưa ra là hoàn toàn không chính xác.

"Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng container thông qua cảng Việt Nam quý 1 năm 2021 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thông tin thiếu container rỗng từ các hãng tàu đưa ra là hoàn toàn không chính xác" - VPA cho biết.

Theo phản ánh của các DN hồ tiêu, trong các tuyến vận chuyển thì tuyến vận chuyển đường biển từ Việt Nam sang Mỹ và EU có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần và mức tăng không báo trước.

Thậm chí có lúc trong vòng 1 tháng DN cũng không thể tìm được xác nhận chỗ trên tàu (Booking confirmation) để tiến hàng giao hàng và đến khi tìm được Booking thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/1 container 40 feet.

"So với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi châu Âu thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020. Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần" - VPA cho biết.

Nghi ngờ hãng tàu bắt tay nhau đẩy giá cước

VPA đặt câu hỏi: "Tại sao cước từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đi Mỹ và châu Âu lại không tăng nhiều như ở Việt Nam?".

Các DN hồ tiêu cho rằng việc tăng giá này là phi lý và bất thường bởi giá dầu (chi phí cốt lõi cấu thành ra giá thành trong vận tải đường biển) đang ở mức thấp hơn nhiều so với trước đây.

Do vậy các DN hồ tiêu nghi ngờ có hay không việc các hãng tàu cố tình găm container và chỗ (space) trên tàu để tạo ra hiện tượng khan hiếm chỗ, khan hiếm vỏ container để trục lợi nhằm đẩy giá cước vận chuyển tiếp tục tăng phi mã.

"Các DN rất cần sự can thiệp của Chính phủ và Bộ ngành nhằm làm rõ có hiện tượng bắt tay làm giá từ các hãng tàu và đại lý hãng tàu hay không" - VPA cho biết.

Cũng do chi phí logistics tăng cao nên gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 so với từ Việt Nam, vận chuyển từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam. Ngành hồ tiêu lo ngại nếu tình hình này kéo dài, Việt Nam sẽ mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh.

Trước những khó khăn chồng chất như trên, VPA kiến nghị các bộ Công Thương, GTVT, NNPTNT... báo cáo Thủ tướng làm việc với các hãng tàu, xem xét tìm cách tháo gỡ vấn nạn thiếu container và đưa giá cước trở lại như trước đây.

VPA cũng yêu cầu các hãng vận chuyển minh bạch, công khai giá cước vận chuyển trên website chính thức của công ty, công bố lộ trình biểu phí rõ ràng. Cạnh đó, chấm dứt tình trạng các đại lý hãng tàu lạm quyền, o ép DN, mua chỗ từ hãng tàu sau đó cộng chênh lệch cao bất thường và bán lại cho các DN xuất khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm