Theo ông Dũng, từ 1-1-2016 đến 6-4-2016, trung tâm tiếp nhận 673 người, trong đó xin ăn chiếm 118 người, sinh sống nơi công cộng chiếm 555 người. Từ 1-1-2016 đến 31-3-2016, đã giải quyết hồi gia 251 trường hợp và chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội 315 trường hợp.
Một đối tượng giả dạng tàn tật bán vé số gây mủi lòng rất nhiều người mua
Tình trạng người xin ăn, sinh sống nơi công cộng ở trung tâm TP cơ bản đã được giải quyết nhưng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở các huyện ngoại thành. Hình thức giả dạng bán vé số để xin ăn, thầy tu khất thực ngày càng tăng. Ông Dũng kể mới đây khi bị tập trung, có ông thầy tu giả dạng khất thực trên đường Điện Biên Phủ còn bị xét nghiệm dương tính với chất ma túy.
Bà Trịnh Thị Phương Châm, Trưởng phòng LĐ-TB-XH quận 1, đồng tình phải kiên quyết xử lý tình hình ăn xin để tránh làm nhếch nhác hình ảnh TP. Bà nêu khó khăn khi có nhiều đối tượng bị tập trung nhiều lần cứ có bảo lãnh thì được thả ra rồi lại tái phạm nhiều lần.
“Quận 1 là nơi tập trung đông người nước ngoài nhưng cũng là nơi có đông người nhếch nhác, lê lết ở ngã tư. Những đối tượng này cứ bị bắt vào rồi thả ra thì rất khó cho quận 1. Bởi vậy, cứ có hành vi phản cảm như lang thang, lê lết mặc dù có bảo lãnh cũng phải giữ lại ở trung tâm ba tháng” - bà Châm đề nghị.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết việc tập trung người lang thang, xin ăn đã có quy định có nơi cư trú thì phải đưa về địa phương và đề nghị các quận huyện tham mưu thêm.
“Người xin ăn ở địa phương nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm, có phải chính sách an sinh xã hội chưa tốt không" - ông Lê Chu Giang nói.
Riêng Hòa thượng Thích Thiện Tánh (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Thường trực Thành hội Phật giáo TP.HCM) đã khẳng định Phật giáo không có chủ trương để sư đi khất thực. Chúng tôi rất đánh giá cao thông tin từ người dân khi báo cáo việc giả sư, lê lết xin ăn ngoài đường” - ông Giang nói.