Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại tọa đàm: "Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020: Nguy cơ thiếu điện và giải pháp” tổ chức chiều 15-11.
Ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, tính đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW. Nghĩa là trong năm năm 2016-2020, cần đưa vào thêm 21.650 MW, tính ra phải có 1.800 MW là từ BOT, số còn lại phải giao cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.
Theo ước tính, số tiền đầu tư trong năm năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỉ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỉ USD (mỗi năm gần 7,9 tỉ USD). Với số tiền này có thể đáp ứng đủ đầu tư cho hệ thống điện.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng lưu ý trong mấy năm qua, độ dự phòng điện ở phía Nam rất thấp. Giải pháp hiện nay là truyền tải từ miền Bắc và miền Trung vào cung ứng cho miền Nam. Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam rất cao thì đòi hỏi các dự án đầu tư phải đảm bảo đúng tiến độ cam kết thì mới có thể giảm bớt chênh lệch, cân bằng nguồn cung cầu.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt như đầu tư rất lớn, khả năng cung ứng vốn ít. “Nếu bàn đến vấn đề điện phải bàn đến vấn đề cung điện nhưng cung như thế nào, cung cho cái gì? thiếu hay thừa, có vấn đề gì về ô nhiễm?... mà chỉ có mình Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đứng ra cáng đáng thì rất khó” - ông Thiên nêu quan điểm.
Đặc biệt, theo TS Thiên, chúng ta phải tính tới cân bằng năng lượng trên cơ sở giá điện. Điểm này sẽ quyết định có thu hút được vốn vào ngành điện hay không? Muốn có nhà đầu tư tốt đầu tư vào ngành điện cần tính tới giá điện tốt. “Nếu giá điện không được cải thiện thì không ai đầu tư cả. Biểu giá điện hiện nay không đủ cao để hấp dẫn đầu tư trong tương lai” - TS Thiên đánh giá.