Gia đình sum họp trên... mạng

Nhìn lại, ba thành viên trong gia đình tôi đang ở ba vị trí khác nhau. Trong đó, tôi lúi húi với chiếc laptop, kế bên là cái điện thoại thông minh, còn vợ và con tôi mỗi người “ôm” một cái smartphone lang thang trên mạng.

Gia đình lúc 23 giờ...

... Là mỗi người một chiếc điện thoại thông minh! Thú thật, đây là hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong gia đình tôi từ ngày cả nhà đều có điện thoại cảm ứng.

Phải thừa nhận nhu cầu tìm hiểu, cập nhật, trao đổi thông tin là chính đáng, khỏi phải bàn cãi. Đi cạnh với nhu cầu đó là một số sinh hoạt trong gia đình tôi cũng thay đổi như ngủ khuya hơn, ít trò chuyện với nhau hơn...

Rất nhiều hôm cứ ăn cơm tối xong ai cũng lướt web, thậm chí có hôm con tôi còn vừa ăn cơm vừa bấm bấm gì đó trên điện thoại. Khi tôi hỏi thì con trả lời là “bạn con nhắn tin hỏi bài” hoặc trao đổi cái này cái kia.

So với trước, khi chưa có điện thoại thông minh xuất hiện trong gia đình, mỗi ngày đi làm về, ăn tối xong là con tôi lo học bài, còn vợ chồng tôi xem tivi. Khi con học xong, nếu trên truyền hình có chương trình gì hay thì cả nhà cùng xem, bình luận sôi nổi. Còn nay, không khí quây quần đó ít dần, mỗi người đều có đủ lý lẽ để đến “thế giới riêng” của mình.

Gia đình tôi lúc 23 giờ là vậy, còn gia đình bạn tôi thì sao? “Thế ai cũng lang thang như vậy à?” - tôi nhắn tin hỏi bạn. Bạn trả lời: “Đúng rồi, mỗi người một chiếc, lướt web cho vui”. “Vậy thường mấy giờ thì đi ngủ?” - tôi hỏi tiếp. “Tùy từng hôm nhưng khuya lắm, sau 11 giờ đêm, nếu ngày nghỉ có khi 12 giờ, thậm chí 1 giờ sáng mới ngủ” - bạn trả lời.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết hình ảnh “mỗi người một góc” cũng thường xuất hiện trong gia đình bạn tôi mỗi khi rảnh rỗi như buổi trưa, sau giờ ăn cơm tối.

Điều gì “đẩy” chúng ta xa nhau?

Gia đình sum họp trên... mạng ảnh 1
 

Điện thoại thông minh đang kéo con người đến gần nhau hơn khi giúp chúng ta kết nối với những người cách xa ta vạn dặm về địa lý. Nhưng “liệu công nghệ có làm cho đời sống gia đình thay đổi, làm tình cảm gia đình nhạt hơn?” là câu hỏi khiến tôi trăn trở.

Để lý giải, tôi thực hiện một cuộc khảo sát bỏ túi với các đồng nghiệp, anh em, bạn bè đã có gia đình, có sử dụng điện thoại thông minh.

Kết quả khá bất ngờ, trong đó phần lớn số người được hỏi đều cho rằng nếu có thời gian rỗi là vợ chồng họ đều “mò mẫm” trên smartphone. Tuy không thừa nhận điện thoại thông minh đang làm cho tình cảm gia đình phai nhạt nhưng ở chiều ngược lại, đa số cho rằng thời gian các thành viên trong gia đình dành cho nhau đang có xu hướng giảm dần.

Biểu hiện rõ nét nhất chính là các bữa ăn thường kéo dài ra, có khi hơn cả tiếng đồng hồ (vì có người vừa ăn vừa nhắn tin), các cuộc trò chuyện sau bữa ăn, cùng nhau xem một bộ phim hay một trận bóng đá, bình phẩm chuyện nọ chuyện kia lúc rảnh rỗi... không còn “chất lượng” như trước.

Có người còn thẳng thắn: “Có hôm, dù hai vợ chồng ngồi chung bàn nhưng ai cũng dán mắt vào cái điện thoại mà đâu để ý gì đến xung quanh, người này hỏi, người kia trả lời cho xong, thậm chí còn phải nhắc lại hai, ba lần chồng mới nghe được!”.

Gia đình không “nhạt”: Làm sao?

Cần khẳng định: Smartphone không có “tội”, không phải là chủ thể, là nguyên nhân gây ra tình trạng không khí, tình cảm gia đình “nhạt” dần, mà vấn đề nằm ở chỗ con người sử dụng nó chính là “thủ phạm” làm cho môi trường tình cảm gia đình “loãng” đi.

Có một câu chuyện của ông chủ hãng Apple - Steve Jobs - được đồn đại. Khi còn sống, Steve Jobs yêu cầu các thành viên gia đình không dùng iPad hay iPhone trong lúc ngồi ăn với nhau để tập trung hơn trong lúc ăn uống, tạo cảm giác ngon hơn, tiết kiệm thời gian hơn, mặt khác đó cũng là lúc các thành viên “thoát ly” áp lực công việc, cùng đối thoại với nhau.

Để hạn chế xu hướng giảm dần thời gian đối thoại do bị điện thoại thông minh chi phối, nhiều gia đình cho rằng nếu các thành viên không thể chủ động giảm thời gian “lang thang” trên mạng thì ít nhất cũng nên bàn bạc, thống nhất thời gian nào lên mạng, thời gian nào dành sum họp, chia sẻ về công việc, cuộc sống để không khí gia đình đầm ấm, gắn kết hơn.

Điện thoại thông minh cùng với sự phát triển của các mạng xã hội đã giúp người ta xích lại gần nhau hơn, khai thác và trao đổi được nhiều thông tin hơn nhưng nó cũng hình thành chứng nghiện công nghệ, nghiện mạng xã hội. Khi những chiếc smartphone đã có mặt trong các gia đình thì thời gian dành cho nhau giữa các thành viên có thể bị san sẻ, vơi đi phần nào, nhiều hay ít phụ thuộc vào chính người sử dụng.

 

Anh hãy tắt điện thoại đi

Tôi từng nói câu đó với chồng nhiều lần những khi thấy anh tranh thủ nhìn vào điện thoại bất cứ thời gian nào có thể: ăn cơm, chơi với con, ngồi xem tivi hay thậm chí là mang cả điện thoại vào nhà vệ sinh. Lý do chồng đưa ra cũng đại khái là: giải quyết công việc, check email, đọc tài liệu...

Một lần khi cho con trai đi công viên, tôi đứng lặng lẽ sau lưng anh quan sát, con trai chơi trong khu vực sân cát, còn anh đứng cầm điện thoại đọc gì đó, cứ tầm 2-3 phút lại ngẩng lên nhìn vào sân cát xem con trai thế nào. Có lúc thằng bé chạy biến đi đâu, lúc sau ba nó mới phát hiện ra và dáo dác đi tìm.

Lần đó như giọt nước tràn ly sau những lần “nặng nhẹ” nhắc nhở, tôi nói với anh mà lòng như xát muối: “Nếu chẳng may có kẻ xấu làm gì con mình, hay tai nạn bất ngờ, anh có can thiệp kịp không?”.

Điện thoại thông minh, sóng 3G, Wi-Fi miễn phí... những thứ này rất hữu ích cho đời sống mỗi người nhưng với một người vợ như tôi có lúc chúng biến thành thứ cản đường cho hành trình vun đắp tổ ấm.

Do vậy tôi tự an ủi mình “thôi cố gắng làm một bà mẹ tốt trước đã” với những quy tắc: trong lúc ăn cơm, chơi với con thì không cầm điện thoại, sau 23 giờ tắt Wi-Fi, 3G, chỉ để điện thoại nhận những cuộc gọi cần thiết từ người thân hoặc từ đồng nghiệp nếu có...

Và nhất là khi nói chuyện với con, tôi phải nhìn vào mắt con chứ không phải nhìn vào cái điện thoại. Bởi tôi sợ một ngày con mình cũng sẽ dán mắt vào điện thoại khi nói chuyện với mẹ cha...

TRẦN LINH

Theo NGUYỄN QUẾ DIỆU (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm