Gia Lai bàn giải pháp gỡ khó cho 'thu không đủ chi' của ngành y tế

(PLO)- Trước thực trạng các cơ sở y tế thực hiện tự chủ nhưng "thu không đủ chi" dẫn đến nợ lương, nợ tiền thuốc, tỉnh Gia Lai đã họp khẩn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-12, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chủ trì cuộc họp về công tác y tế, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước thực trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Gia Lai họp gỡ khó cho ngành y tế. Ảnh: LK.

Tỉnh Gia Lai họp gỡ khó cho ngành y tế. Ảnh: LK.

Theo bà Lịch, cuộc họp sẽ tập trung giải quyết ba vấn đề chính: Thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; hướng xây dựng bệnh viện tự chủ tài chính và xây dựng đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo của Sở Y tế Gia Lai, giai đoạn 2021-2022, tổng giá trị trúng thầu tập trung của tỉnh đã được phân bổ cho 23 cơ sở y tế công lập hơn 646 tỉ đồng, với 758 danh mục thuốc, cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở khám, chữa bệnh đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc cục bộ, một số thuốc thuộc nhóm gây nghiện, một số thuốc chuyên khoa đặc trị. Cá biệt, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Kông Chro thiếu 46/173 danh mục và Bệnh viện Đa khoa tỉnh thiếu 27/384 danh mục.

Bên cạnh đó, bốn cơ sở, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, TTYT huyện Chư Păh và TTYT huyện Đức Cơ thiếu nhiều loại vật tư chấn thương chỉnh hình, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm... ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh cho người dân.

Về tự chủ tài chính, theo phản ánh chung, các cơ sở và bệnh viện đều có tình trạng "thu không đủ chi" khiến nợ tiền mua thuốc, vật tư và nợ lương gia tăng. Việc thanh toán tiền khám BHXH vượt còn chậm, khiến nhiều đơn vị lâm cảnh khó.

Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ bị âm nhiều tỉ đồng, nợ lương cán bộ. Ảnh: LK.

Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ bị âm nhiều tỉ đồng, nợ lương cán bộ. Ảnh: LK.

Điển hình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, thu chi qua các năm đều âm. Cụ thể, năm 2020, âm hơn 13 tỉ đồng; năm 2021, âm 27 tỉ đồng và năm 2022, âm 22 tỉ đồng, tổng ba năm âm hơn 63 tỉ đồng. Hiện tại, đang thiếu hụt khoảng 115 tỉ đồng phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.

Tại TTYT huyện Đức Cơ cũng lâm cảnh tương tự, năm 2019 âm hơn một tỉ đồng, năm 2020 âm hơn hai tỉ, năm 2022 âm hơn bốn tỉ đồng... hiện đang nợ lương cán bộ, công nhân viên.

Trước các vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các đơn vị đang gặp khó do thiếu thuốc, vật tư y tế làm báo cáo gửi Sở Y tế tổng hợp làm chuyên đề riêng. Đồng thời, giao Sở Y tế tổng hợp các đề xuất, giải pháp từ các đơn vị và báo cáo lên UBND tỉnh để có hướng xử lý.

"Tại sao các bệnh viện tư vẫn "sống khỏe", trong khi các bệnh viện công được nhà nước đầu tư bài bản lại xảy ra tình trạng thu không đủ chi. Vấn đề này cần phải làm rõ và sớm đưa ra giải pháp chấn chỉnh", bà Lịch nói.

Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai định hướng nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện hạng I với quy mô 1.200 giường. Đồng thời, xây dựng hai bệnh viện vùng ở hai thị xã là An Khê và Ayun Pa và xây dựng chính sách đặc thù cho ngành y tế mũi nhọn.

Chiến lược lâu dài, sẽ mở các lớp quản trị cho lãnh đạo các cơ sở y tế, đào tạo quản lý đầu tư công nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm