Ngành y tế “nóng” chuyện tự chủ, xã hội hóa

(PLO)- Ngày 24-10, tại phiên thảo luận Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tự chủ bệnh viện, xã hội hóa ngành y tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (Hà Nội), gần đây sự kiện khiến nhiều người băn khoăn là hàng chục ngàn cán bộ y tế rời bỏ các bệnh viện (BV) công. Trong đó có cả những BV lớn, nơi nhiều y bác sĩ mong muốn được về đó làm việc. Cạnh đó, các BV lớn, có danh tiếng, có đủ điều kiện để tự chủ như Bạch Mai, K cũng xin thôi tự chủ để hưởng bao cấp từ ngân sách. Trong khi rất nhiều cơ sở y tế lâu nay mong chờ được tự chủ và thực tế cơ chế tự chủ đang được thực hiện khá thành công ở các trường đại học.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (trái) và đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại nghị trường. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (trái) và đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại nghị trường. Ảnh: quochoi.vn

Cần luật hóa cơ chế tự chủ của bệnh viện công

“Việc nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các BV công, hay việc các BV lớn có danh tiếng nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý” - ông Cường nói, đồng thời nhận định nguyên nhân căn bản xuất phát từ cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các BV công khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Ông cho rằng cơ chế để BV công thực hiện quyền tự chủ nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn tay nghề cao, danh tiếng “vẫn đang là một khoảng trống”. Ông Cường đề xuất cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các BV được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh (KCB), quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động KBC; quyết định những vấn đề về tài chính của BV... Cạnh đó, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở KCB tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ dựa trên nguyên tắc giá dịch vụ KCB đảm bảo tính đúng, tính đủ.

Nhiều BV đầu ngành có nguồn nhân lực chất xám cao, cơ sở khang trang và đồ sộ nhưng cũng phải rút khỏi tự chủ vì thực chất chưa có tự chủ.

Cùng với đó, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với BV tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu. Tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Ngoài ra, quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các BV chủ động trong lựa chọn phương thức đầu tư mua sắm, đi thuê, liên doanh, liên kết các máy móc, trang thiết bị. Sử dụng có hiệu quả nhất cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu KCB.

Đi liền với đó là quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đối với BV tự chủ, như tổ chức và vai trò, chức năng của hội đồng quản lý BV, giám đốc BV; cơ chế quản lý người lao động như tuyển dụng, sa thải, bổ nhiệm và đánh giá người lao động; cơ chế báo cáo, cơ chế quản lý, cơ chế giám sát của các cơ quan cấp trên đối với các BV tự chủ... “Nếu được bổ sung đầy đủ các quy định trên, không chỉ các bất cập đang diễn ra trong quản lý BV được giải quyết, mà các cơ sở KCB công lập sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng, ngang tầm với các BV trong khu vực và thế giới” - ông Cường nhấn mạnh.

Cơ quan soạn thảo ghi nhận đầy đủ ý kiến của các ĐB Quốc hội, đồng thời Bộ Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu tiếp thu, giải trình thấu đáo và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN

“Không mổ xẻ làm sao biết yếu chỗ nào!”

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ quan điểm, những giải pháp đưa ra hiện nay của ngành y chưa thể giải quyết được những vấn đề về xã hội hóa (XHH), về cơ chế tự chủ của các BV. Lâu nay XHH đang dừng ở mức Nhà nước ngưng chi trả lương, còn cơ chế tổ chức, nhân sự, tài chính và mua sắm, các BV đều không tự quyết được.

Bà Lan cho rằng thời gian qua nhiều BV đầu ngành với số lượng cán bộ có hàm lượng chất xám cao, cơ sở khang trang và đồ sộ nhưng cũng phải rút khỏi tự chủ vì thực chất chưa có tự chủ. Phân tích nguyên nhân, bà Lan cho rằng hàng chục năm kể từ khi XHH và tự chủ BV, đến nay vẫn chưa có một tổng kết, đánh giá chính thức nào về những mô hình này.

“Nếu không tổng kết, đánh giá, không mổ xẻ thì làm sao biết được yếu chỗ nào và làm sao đề ra được những giải pháp. Thực sự chúng ta chỉ loay hoay chạy theo những sự cố, nay bị thế này mai bị thế kia. Hậu quả hiện nay chính là BV thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân viên y tế sợ hãi, không dám làm, không dám chủ động, sáng tạo và xin nghỉ việc nhiều, nhiều BV xin không tự chủ” - bà Lan nhìn nhận.

Do đó, bà Lan đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình tự chủ BV và cũng nên thực hiện với cả vấn đề đấu thầu giá thuốc trong BV, đào tạo nguồn nhân lực đã được sử dụng đúng hướng hay chưa, chất lượng đào tạo như thế nào... Đồng thời, bà Lan nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải sửa đổi trong luật để đưa ra được những giải pháp có thể giải quyết được hiện trạng”.•

Cần nhấn mạnh vào quyền lợi của bệnh nhân

- Người bệnh phải được nhận đầy đủ hồ sơ bệnh án của mình chứ không phải là nhận một bản tóm tắt của hồ sơ bệnh án (ĐB tỉnh Bình Thuận).

- Cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sĩ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sĩ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình, có quyền tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khi thấy cần (ĐB tỉnh Trà Vinh).

- Cần nghiên cứu bổ sung một hành vi bị nghiêm cấm của người hành nghề và người lao động khác tại cơ sở KCB, đó là cấm lợi dụng việc KCB để quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh, thân nhân người bệnh (ĐB tỉnh Bến Tre).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm