Một trong những nội dung quan trọng và còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về xã hội hóa (XHH) và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo được chỉnh lý theo hướng Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ KCB và có các chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động này.
Nên bỏ từ “xã hội hóa y tế”
Cụ thể, dự thảo trình QH ở kỳ họp thứ ba vừa qua chỉ quy định: Hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở KCB nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chỉ nên quy định ba hình thức hợp tác công tư trong y tế. Ảnh: PHẠM THÀNH |
Trong khi đó, dự thảo trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách, Điều 105 quy định: Việc thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động KCB tại cơ sở KCB nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng. Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động KCB bao gồm đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các hình thức XHH khác theo quy định của Chính phủ.
Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng vấn đề vướng nhất trong luật sửa đổi lần này là điều khoản về hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế. “Ngược lại với Ủy ban Xã hội, tôi đề xuất không nên dùng từ “XHH y tế”. Tôi tìm cả lịch sử ngành y Việt Nam và thế giới cũng không thấy có định nghĩa thế nào là XHH y tế” - ông Hiếu nói.
Ông Hiếu nêu quan điểm không thể XHH bằng cách tư nhân bỏ tiền chung với BV công, mua máy móc đặt trong BV sử dụng rồi chia nhau lợi nhuận trong BV công.
Ba hình thức hợp tác công tư
Ông Hiếu cho rằng chỉ nên quy định ba hình thức hợp tác công tư trong y tế. Đầu tiên là cho vay có ưu đãi để BV mua sắm đầu tư, các BV đứng tư cách pháp nhân vay các tổ chức tín dụng, quốc tế và có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như trách nhiệm của một doanh nghiệp. “Nên khuyến khích hình thức này” - ông Hiếu nói.
Thứ hai là cho thuê, đây là hình thức đã có nhưng hiện chưa rõ ràng để các BV, cơ sở y tế thực hiện. Việc thuê có hai chiều, chiều thứ nhất là BV công thuê các phương tiện, trang thiết bị của BV tư và tư nhân (thường là các máy móc đắt tiền, phương tiện không đủ điều kiện mua). BV chịu trách nhiệm thuê để hoạt động hiệu quả. Chiều ngược lại là tư nhân thuê của BV công, tuy rất khó nhưng dự án luật nên đặt ra hướng để các luật khác hỗ trợ.
“Y tế công có thương hiệu, hiểu biết, nguồn lực chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng bỏ tiền ra xây dựng BV và kém nhất là vận hành BV về mặt quản trị. Chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin của người dân, chất xám và vận hành do tư nhân thực hiện” - ông Hiếu cũng thừa nhận “rất khó định giá thương hiệu BV, tài sản công nhưng rất cần hướng đi này”.
Thứ ba là hợp tác phi lợi nhuận, thế giới đã triển khai rất lâu và thành công. Việt Nam đã có BV tư phi lợi nhuận nhưng chưa có BV nào hợp tác công tư phi lợi nhuận. Các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng BV rồi cho BV công vận hành. Lợi nhuận (nếu có) không chia nhau mà giữ lại đầu tư, nâng cao đời sống nhân viên cũng như hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, khó khăn.
“Đây là mô hình nên khuyến khích và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra xây dựng BV với thương hiệu Nhà nước phục vụ người bệnh, để lại tiếng thơm cho các quỹ, cá nhân đó” - ông Hiếu nói.
Đã đến lúc xem lại hệ thống y tế
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đánh giá Điều 105 dự thảo đã có sự điều chỉnh cơ bản về chính sách so với dự thảo trình QH (tại kỳ họp thứ ba). “Khi làm điều luật này, chúng ta chưa xác định được chính sách XHH là thế nào. Tôi không hiểu nhà làm luật nói rằng đầu tư theo hình thức công tư là một chính sách thu hút đầu tư, là một ưu đãi thì cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn thế nào” - ông Long nói.
ĐBQH tỉnh Đồng Nai phân tích sau khi ban hành Luật Đối tác công tư (PPP) năm 2020, thực tiễn cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực giao thông, điện, các lĩnh vực hạ tầng khác “có sự trầm lắng một cách rất đáng lo ngại”, không thu hút được các nhà đầu tư. Vậy mà với lĩnh vực y tế, dự thảo lại coi đây là một hình thức ưu đãi.
Ngoài ra, ông Long cho rằng quy định như dự thảo “thừa và sẽ tạo ra mâu thuẫn” bởi Luật PPP đã quy định rõ hình thức này. Ngoài ra, đầu tư trong lĩnh vực y tế đòi hỏi số vốn lớn, các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các BV lớn, tuyến cuối hiện đại, trình độ cao để có lợi nhuận nhanh. Trong khi mục tiêu XHH phải làm sao thu hút các nguồn lực xuống tuyến huyện và tuyến tỉnh để giảm tải cho trung ương...
“Đã đến lúc phải xem xét lại hệ thống y tế của chúng ta” - ông Long nói, đồng thời đề nghị cần tổng kết thực tiễn, đặc biệt là mô hình liên doanh, liên kết từ những bất cập trong hệ thống hiện nay.
Phải thận trọng, kỹ lưỡng để phù hợp với thực tiễn
Một số ý kiến cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật xương sống của ngành y tế, tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Vì vậy, dự án luật này cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn và khả thi.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo luật chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan. Một số chính sách mới được ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các luật khác...
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ QH, các ĐBQH cân nhắc xem xét, thông qua dự thảo luật theo quy trình ba kỳ họp. Nếu quy trình không thay đổi, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tư, dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới đây.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội NGUYỄN THÚY ANH