Ngày 9-12, Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã bước vào ngày làm việc cuối, nhiều vấn đề nóng trên địa bàn được nhiều đại biểu đưa ra bàn thảo, chất vấn, yêu cầu làm rõ nguyên nhân và xem xét trách nhiệm liên quan.
Một phiên thảo luận tổ tại kỳ họp. Ảnh: LK. |
Một số nội dung nổi bật được các đại biểu đề cập như: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép; tình trạng xây công trình trên đất nông nghiệp diễn ra nhiều nơi; chương trình “sóng và máy tính cho em” chậm trễ triển khai gây lãng phí, mất tính cấp thiết; vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Các đại biểu cho rằng, cần phải mổ xẻ nguyên nhân, xem xét xử lý trách nhiệm liên quan và sớm đưa ra các giải pháp khắc phục.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Thanh Bình, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy đặt vấn đề: Công tác giải ngân vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm (toàn tỉnh đạt hơn 49%), trách nhiệm của chính quyền, chủ đầu tư đến đâu và cần phải có biện pháp khắc phục?
Vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chậm. Trong đó, công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương với các chủ đầu tư chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, sự am hiểu trong thực hiện các thủ tục thanh toán dự án ODA… cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Liên quan chương trình “sóng và máy tính cho em”, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Tài Chính giải bày: Nguyên nhân sự chậm trễ trong triển khai thực hiện ở Gia Lai là do liên quan thủ tục về kinh phí, giá máy tính bảng theo khuyến nghị tại Công văn số 3693/BTTTT-CNTT ngày 23-9-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn nhiều vấn đề "nóng" tại địa phương. Ảnh: LK. |
Về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra nhiều trong thời gian qua, ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường nói: quản lý đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều công trình đã xây dựng rồi mới buộc tháo dỡ, gây lãng phí thì trách nhiệm quản lý thuộc về các huyện, thị xã, thành phố.
Về phía ngành thì sẽ tăng cường tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, nhất là trong công tác tuyên truyền. Kiên quyết xử lý đối với những hành vi vi phạm.
Trong năm 2022, tỉnh Gia Lai có 19/21 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt so với năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 9,27%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt 60,45 triệu đồng. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Tổng thu ngân sách ước đạt 5.474 tỉ đồng, đạt 101,1% so với dự toán Trung ương giao.
Nhiệm vụ năm 2023 đề ra, tốc độ tăng GRDP đạt 8,62%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.910 tỉ đồng trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42.000 tỷ đồng; tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn 8,09%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,9 triệu đồng/người. Đồng thời chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.