Giả mạo báo cáo phân tích của TLS: Chiêu kích động làm giá kiểu mới?

Giả mạo báo cáo phân tích của TLS: Chiêu kích động làm giá kiểu mới? ảnh 1
Sự khác biệt hoàn toàn về hình thức giữa hai báo cáo phân tích.
Báo cáo bên trái là báo cáo chính thức từ TLS.
Trước đó, ngày 15/10, TLS cho biết Công ty Cổ phần Tổ hợp giáo dục và Truyền thông OTM đã giả mạo thông tin liên kết với nhóm chuyên viên môi giới của TLS đưa ra dịch vụ tư vấn chứng khoán qua hệ thống tin nhắn nhằm trục lợi. Vụ việc chưa “êm” thì TLS lại phát hiện một trường hợp cụ thể về sự giả mạo báo cáo phân tích Công ty ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico, với mã giao dịch KSS. Theo thông tin từ TLS, trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 26/9/2010, một số tổ chức đã nhận được một phong bì thư gửi theo đường bưu điện trong đó có tài liệu mang tên “Company Report: Tổng công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico - KSS”. Bản báo cáo phân tích công ty này ghi rõ tác giả là ông Quách Mạnh Hào, được phân phối bởi Khối Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long, với mục đích khuyến nghị các tổ chức và nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS). “Đây là một hành động vi phạm pháp luật, do đối tượng viết báo cáo đã giả mạo TS. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc TLS, tạo chữ ký giả, địa chỉ e-mail và số máy lẻ không đúng tại TLS, nhằm tăng độ tin cậy cho người đọc. Nghiêm trọng hơn nữa, qua báo cáo này, đối tượng này đã cố tình hạ uy tín của TS. Hào và TLS bằng cách đưa ra một báo cáo thiếu chuyên nghiệp”, thông cáo báo chí của TLS viết. Thông báo chính thức từ TLS khẳng định ông Quách Mạnh Hào không phải là tác giả của bản báo cáo nói trên. Tất cả các sản phẩm nghiên cứu của TLS đều được trình bày theo mẫu quy định của TLS và được gửi cho nhà đầu tư từ địa chỉ e-mail chính thức của TLS. Đồng thời, công ty chứng khoán này đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và bảo vệ uy tín của công ty. Khi tiếp cận báo cáo giả mạo nói trên, cảm nhận đầu tiên của phóng viên VnEconomy là sự cẩu thả trong trình bày. Báo cáo dài 6 trang, được trình bày như một văn bản thông thường mà ai cũng có thể tự làm. Tuy nhiên, dưới mỗi trang đều có một chữ ký nháy rất “cẩn thận”. Thông tin chính thức từ TLS khẳng định đây là chữ ký giả. Ngoài ra, tiêu đề cuối mỗi trang đều ghi “Bản quyền thuộc về Công ty Chứng khoán Thăng Long - Thanglongsc”. Về nội dung, những thông tin được cho là phân tích cơ bản đều hết sức sơ sài, thiếu dẫn chứng, đặc biệt là thiếu những chuỗi số liệu quan trọng. Các kết luận rút ra đều là tính toán cảm tính, không có căn cứ, chẳng hạn: “Lợi nhuận sau thuế quý 1/2010 của KSS là 33 tỷ đồng trong khi lợi nhuận cả năm 2009 chỉ có khoảng 32 tỷ đồng, nghĩa là hoạt động khai thác vàng sa khoáng đã góp thêm 33-8=25 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 1/2010. Nói cách khác, lợi nhuận từ hoạt động khai thác vàng sa khoáng của KSS sẽ vào khoảng 25*4 quý = 100 tỷ đồng trong năm 2010. Đó chỉ là mới tính cho 2 dây chuyền khai thác. Nếu khai thác hết 5 dây chuyền thì LN = 100*5/2 = 250 tỷ đồng”. Bản “phân tích” còn đưa ra những kết luận “nhảm nhí” hết sức, không phù hợp với văn phong khoa học định lượng. Chẳng hạn, bản phân tích kết luận: “Bài viết này không mang ý nghĩa hô hào hay PR cho KSS, mà chỉ đưa ra những lập luận con số về KSS và tôi cho rằng tiềm năng của KSS là quá lớn. Về mặt cơ bản, với một công ty khai thác khoáng sản như KSS có EPS trên 10.000 đồng thì giá không thể thấp hơn 150.000 đồng. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mua vào KSS ngay trong các phiên tới và nắm giữ lâu dài, chắc chắn KSS sẽ là một trong những cổ phiếu ấn tượng nhất trên sàn chứng khoán 2010”! Chắc chắn chưa có bất kỳ một báo cáo nghiêm túc của bất kỳ công ty chứng khoán nào “dám” kêu gọi khách hàng “mua ngay trong những phiên tới”. Các báo cáo nghiêm túc chỉ khuyến cáo trạng thái như mua; nắm giữ; hay bán. Văn phong của kết luận trên rất giống với các bài viết hô hào, "phím hàng" đầy rẫy trên các diễn đàn. Về kết cấu của một bản phân tích, có sự khác biệt hoàn toàn giữa những báo cáo chính thức của TLS và bản báo cáo giả mạo này. Báo cáo giả mạo không trình bày theo mẫu, không có điều khoản miễn trách nhiệm, thiếu các bảng biểu dữ liệu tài chính, thiếu các căn cứ trong phương pháp định giá… Tóm lại, với một nhà đầu tư cẩn thận, “bản phân tích” trên không đủ tin cậy ngay từ hình thức. Không có công ty chứng khoán nào lại đưa ra một sản phẩm cẩu thả như vậy. Theo TLS, bản phân tích giả mạo cố tình nhằm hạ uy tín lãnh đạo cũng như uy tín của TLS. Tuy nhiên, cũng không loại trừ đây là trường hợp mạo danh uy tín của TLS để cung cấp thông tin sai lệch về cổ phiếu, hô hào mua vào, kích động làm giá. Chưa rõ các tổ chức nhận được bản phân tích “bậy bạ” trên là ai, nhưng rõ ràng các kết luận cũng như lập luận của bản báo cáo này đều vẽ ra một triển vọng hết sức tốt đẹp với KSS. Chẳng hạn định giá theo phương pháp PE thì giá KSS cuối năm 2010 được cho là tới 371.000 đồng/cổ phiếu, hay kết luận “giá không thể thấp hơn 150.000 đồng/cổ phiếu”. Nên nhớ, giá KSS thời điểm cuối tháng 9 chỉ loanh quanh 35.000 đồng - 36.000 đồng/cổ phiếu, sau khi chốt quyền. Trước thời điểm chốt quyền (ngày 20/7/2010), giá cũng chỉ ở mức 63.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đúng vậy, thì đây là lần đầu tiên cách thức kích động mua bán cổ phiếu thông qua việc tạo dựng một bản phân tích mạo danh của tổ chức được phát hiện tại Việt Nam. Những kích động tương tự đã từng xảy ra từ lâu trên các diễn đàn chứng khoán, nhưng đa số nhà đầu tư đều đọc với con mắt cẩn trọng. Tuy nhiên, nếu cá nhân hay nhóm cá nhân nào đó mạo danh, thậm chí giả mạo cả hình thức lẫn văn phong của một báo cáo nghiêm túc, thì hậu quả sẽ lớn hơn nhiều. Nhà đầu tư không chỉ thiệt hại, mà bản thân uy tín của tổ chức phát hành cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo KHÁNH HÀ ( VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm