Ngày 23-11, ông Bùi Thanh Tùng, Cục Y học cổ truyền - Bộ Y tế, cho biết thời gian qua Cục Y học cổ truyền dưới sự phối hợp của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra sự việc một công ty sửa đổi đơn nhập khẩu dược liệu từ năm 2013 để cung cấp dược liệu cho gần 100 bệnh viện tại TP.HCM
Theo ông Tùng, trước đó Cục Y học cổ truyền đã nhiều lần đến công ty này kiểm tra nhưng không vào được hoặc công ty tránh mặt, do đó không thể kiểm tra. Khi Cục nhận được đơn tố giác, yêu cầu công ty lên làm việc thì công ty không đến.
Sau khi phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Y học cổ truyền đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện hiện tượng gian lận từ công ty này. Theo đó, công ty đã dùng đơn nhập khẩu dược liệu được cấp phép từ năm 2013 sửa đổi ngày tháng, sau đó mang đi đấu thầu tại gần 100 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, gây ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nhận định về tình trạng này, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cho rằng vấn nạn buôn lậu, làm giả thuốc, thực phẩm chức năng đang là vấn nạn khá nghiêm trọng cần phải giải quyết để phát triển kinh tế.
“Hiện nay đang có hiện tượng buông lỏng về quản lý, thậm chí bao che cho nhau giữa các đơn vị quản lý và cơ sở kinh doanh. Do đó tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Vì vậy, vấn đề quan trọng bây giờ là phải quy trách nhiệm cho đúng người đúng tội. Nơi nào có vi phạm thì xử lý ngay chính quyền cấp cơ sở trực tiếp quản lý, tránh chồng chéo trách nhiệm, đến lúc có vi phạm thì lại hỏi trách nhiệm thuộc về ai là không được” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trước mắt cần phối hợp tốt từ khâu cấp phép đến khâu kiểm tra. Cơ sở nào vi phạm mà nhắc nhở, xử phạt vẫn tái diễn phải có biện pháp mạnh, đưa lên các thông tin báo chí để ngay lập tức chấn chỉnh.