Trước thông tin TAND TP.HCM sẽ thí điểm thành lập Tòa án Gia đình và người chưa thành niên từ ngày 3-4, đa phần những ý kiến đều ủng hộ.
• Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG LIÊN, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:
Tòa chuyên trách sẽ xử hiệu quả hơn
Đối với các vụ án liên quan đến trẻ em, ngoài yêu cầu đúng luật thì cần phải chú trọng đến tâm sinh lý của đối tượng này. Với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu những vụ án liên quan đến trẻ em và phụ nữ, tôi thấy tâm lý của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
Về khung cảnh xét xử, tất cả vụ án hiện đều xử chung một không gian. Cách bố trí phòng xét xử chung như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi, hoang mang. Đến phần xét hỏi, nếu thẩm phán hỏi bị cáo mà không hiểu tâm lý sẽ khiến bị cáo sợ hãi và trả lời không đúng sự thật. Khoản 1 Điều 302 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có quy định: “Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên”. Trên thực tế, để hiểu và nắm bắt được tâm sinh lý của trẻ em thì phải trải qua một quá trình nghiên cứu, học tập và rèn luyện. Sự ra đời của Tòa Gia đình và người chưa thành niên đầu tiên ở Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục, giúp trẻ phạm pháp nhận ra sai lầm để sửa chữa; giúp trẻ phát triển lành mạnh, được chăm sóc, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.
• Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Đậm tính nhân văn
Hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên sẽ đảm bảo việc xét xử khách quan, công bằng nhưng thân thiện phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của bị cáo, đương sự. Việc có một tòa chuyên trách sẽ tránh cho người chưa thành niên bị tâm lý mặc cảm, tự ti, khủng hoảng tâm lý, tinh thần sau này khi được tái hòa nhập cộng đồng.
Mặt khác, người chưa thành niên do chưa đủ tuổi trưởng thành nên chưa nhận thức đầy đủ, rõ ràng về các hậu quả do hành vi phạm pháp. Nếu các thẩm phán đã được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, am hiểu đầy đủ đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên thì họ sẽ không chỉ là người xét xử, mà còn là những chuyên gia tâm lý hỗ trợ người chưa thành niên nhận thức rõ sai lầm, ý thức về quá trình chấp hành án cũng như định hướng tương lai.
Tòa Gia đình và người chưa thành niên là một bước tiến mới đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ. Cuộc sống hôn nhân của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh riêng, những điều riêng tư, bí mật... Vì thế, việc giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình cũng cần phải có sự am hiểu sâu sắc, đồng cảm để hạn chế đến mức thấp nhất các tổn thương tinh thần; hỗ trợ, bảo vệ tốt nhất cho phụ nữ, trẻ em trong quá trình giải quyết án.
Các vụ xét xử công khai người chưa thành niên sẽ không còn nữa sau khi có Tòa án Gia đình và người chưa thành niên. Ảnh: HTD
• PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật:
Phù hợp với xu thế hiện đại
Tôi hoàn toàn ủng hộ thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập, bởi những vụ việc gia đình và liên quan đến những người chưa thành niên đều có những nét riêng không thể để nhiều người nghe, nhiều người biết. Quan hệ gia đình có những điều tế nhị, còn người chưa thành niên thì mong manh, nhạy cảm, nếu không có cách tác động cho phù hợp sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy không tốt.
Các nước trên thế giới luôn luôn có phòng xét xử riêng để giải quyết những quan hệ như vậy. Họ có quan tòa riêng biệt, chỉ chuyên xét xử các vụ án gia đình và trẻ em. Vì thế, quan tòa cần phải đầu tư tập trung kiến thức về tâm sinh lý.
Do đó, người xét xử là yếu tố quan trọng nhất. Rất cần có những lớp huấn luyện về mặt nghiệp vụ, tư pháp tố tụng, kiến thức luật chuyên ngành, tâm sinh lý cho những người làm việc trong Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Nếu chỉ đầu tư một phòng xử tiện nghi, ấm cúng, sang trọng mà quan tòa không hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ, của phụ nữ, các bà mẹ đơn thân… thì cũng khó đạt hiệu quả như mong đợi.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình yêu cầu: Ngoài thẩm phán, thư ký được đào tạo chuyên môn, Tòa án Gia đình và người chưa thành niên còn phải có nhân viên chăm sóc y tế, chuyên gia tâm lý, cán bộ hỗ trợ tư pháp… Theo Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương, trụ sở tòa chuyên trách nói trên sẽ được bố trí độc lập với trụ sở TAND TP hiện nay. Việc trang trí các phòng làm việc, phòng xử... cũng đề cao sự gần gũi, thân thiện. Sau khi thí điểm, TAND TP sẽ nhân rộng tổ chức tòa chuyên trách này cho 24 tòa án quận, huyện tại TP. |