Giá vàng, dầu tăng nóng vì xung đột Israel - Hamas

(PLO)- Việt Nam cần tăng nguồn dự trữ xăng dầu, giảm thuế, phí để giảm thiểu rủi ro từ biến động khó lường của giá năng lượng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc xung đột Israel - Hamas đã tạo ra biến động lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá dầu tăng mạnh. Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần (ngày 9-10), giá dầu tăng vọt hơn 4%. Trong đó, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp với mức 4,34%, lên 86,38 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 4,22%, lên 88,15 USD/thùng.

Biến động khó lường

TS Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế ĐH RMIT Việt Nam (VN), phân tích: Tuy Israel không phải là một nhà sản xuất dầu lớn nhưng vị trí địa chính trị và khả năng leo thang của xung đột đã khiến nước này trở thành tâm điểm của sự quan tâm trên thị trường dầu mỏ.

Đặc biệt, Trung Đông với vai trò là một trong những nguồn cung dầu lớn nhất thế giới, luôn là tâm điểm của sự biến động khi có xung đột. Các nhà giao dịch thường có xu hướng “mua trước, hỏi sau” khi có dấu hiệu bất ổn do dự báo nguồn cung dầu sẽ bị gián đoạn. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng trong mấy ngày gần đây.

“Cuộc xung đột Israel - Hamas cũng tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và giá trị tiền tệ. Tâm điểm trên thị trường đang đổ dồn vào cách mà các quốc gia chủ chốt trong khu vực, như phản ứng của Saudi Arabia và Iran, bởi các hành động của họ có thể tác động đến nguồn cung dầu” - TS Tùng nhận định.

w-p11-anh chinh.jpg
Giá xăng dầu được dự báo tăng mạnh do tác động từ xung đột quân sự Israel - Hamas.
 Ảnh: HOÀNG GIANG

Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng cả Israel và Palestine đều không phải là những nhà sản xuất hoặc tiêu thụ dầu lớn. Sự gia tăng của giá dầu mấy ngày qua chủ yếu phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột lan rộng ra khu vực Trung Đông - nơi nắm giữ khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ trên thế giới có thể làm thay đổi cục diện các mối quan hệ chính trị thì giá dầu có thể sẽ tăng mạnh.

Tỉ giá có thể bị tác động vì giá xăng dầu tăng

Khi giá dầu tăng thì nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu dầu cũng tăng theo, có thể đẩy giá trị của đồng VN xuống. Một khi đồng tiền yếu hơn có thể tạo ra tác động truyền dẫn đến lạm phát khi giá của các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm dầu, tăng tính theo đồng nội tệ.

Sự mất giá của đồng tiền có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh này, VN có thể phải đối mặt với các quyết định khó khăn về chính sách tiền tệ và quản lý tỉ giá hối đoái để đảm bảo ổn định kinh tế.

TS BÙI DUY TÙNG, giảng viên kinh tế ĐH RMIT VN

Phân tích sâu hơn, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải đánh giá cuộc xung đột Israel - Hamas đang tạo ra tính bất ổn về giá dầu trong giai đoạn sắp tới. Nhiều kịch bản sẽ xảy ra với giá năng lượng, có thể là giá dầu chỉ tăng trong ngắn hạn nếu cục diện xung đột không leo thang. Nhưng yếu tố bất ngờ có thể đến nếu như có sự liên quan đến Iran và Saudi Arabia trong cuộc xung đột này - vốn là những nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới sẽ đẩy giá dầu tiệm cận 100 USD/thùng. Cụ thể, nếu có sự liên quan của Iran trong sự việc vừa qua, Mỹ sẽ thực thi các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Iran một cách nghiêm ngặt hơn. Thiếu hụt nguồn cung từ Iran - vốn xuất khẩu hơn 3 triệu thùng dầu/ngày sẽ tác động mạnh đến giá dầu.

“Vì vậy, VN cần phải theo dõi chặt giá dầu để có những quyết định hợp lý nhằm kiềm chế được lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể thấy qua xung đột Nga - Ukraine diễn ra từ năm 2022 đã ảnh hưởng đến giá dầu thô toàn cầu và đã có lúc đẩy giá xăng trong nước lên mức cao kỷ lục” - ông Hải nói.

Việt Nam ứng phó thế nào?

TS Bùi Duy Tùng nhìn nhận: Xung đột Israel - Hamas không chỉ làm tăng giá dầu do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung, mà còn làm tăng thêm mối lo về các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm cả kinh tế VN. Điều này khiến VN đối mặt với thách thức nếu giá dầu toàn cầu tiếp tục tăng vọt.

Cụ thể, giá dầu cao không chỉ ảnh hưởng đến giá cả vận tải hàng hóa mà còn lan tỏa đến các mặt hàng khác như giá lương thực, thực phẩm, từ đó tăng áp lực lên lạm phát. Đối với VN, một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, tình hình càng trở nên khó khăn. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước VN phải cân nhắc giữa việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Để giữ giá xăng dầu trong nước ổn định, một trong những giải pháp cần được xem xét là rút ngắn thời gian điều chỉnh giá dầu từ 10 ngày xuống còn năm ngày. Điều này sẽ giúp VN nhanh chóng ứng phó với những biến động giá dầu toàn cầu, vì độ trễ hiện tại theo quy định là 10 ngày có thể làm tăng áp lực lạm phát trong thời kỳ giá dầu toàn cầu tăng cao.

w-p11-anh box.jpg
Thị trường vàng trong nước và quốc tế chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Theo quy định hiện hành, giá xăng dầu trong nước không thay đổi trong 10 ngày, bất chấp biến động của thị trường thế giới. Nếu giá dầu toàn cầu tăng vọt như cuộc xung đột Hamas - Israel, người tiêu dùng và doanh nghiệp VN sẽ phải chịu mức giá cao trong thời gian dài trước khi có sự can thiệp từ cơ quan chức năng. Sự chậm trễ này có thể tác động lan tỏa đến nền kinh tế, làm tăng chi phí vận chuyển, hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy lạm phát” - TS Tùng phân tích.

Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, VN đang bước vào giai đoạn cao điểm sản xuất để xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường lớn dịp cuối năm. Trong khi đó, xăng dầu cũng là yếu tố quan trọng đầu vào sản xuất. Nếu để giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và khó cạnh tranh với các nước khác.

Hơn nữa, giá xăng dầu tăng cao sẽ đẩy lạm phát ở châu Âu và Mỹ tăng khiến các quốc gia này tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ và hạn chế chi tiêu. Điều này tạo ra nguy cơ doanh nghiệp Việt thiếu đơn hàng xuất khẩu và khó tạo động lực tăng trưởng kinh tế VN.

“Do đó, VN cần tăng nguồn dự trữ xăng dầu và thực hiện những công cụ phái sinh để bảo hiểm giá, từ đó giúp ổn định giá xăng trong nước trước các biến động năng lượng toàn cầu. Cạnh đó, cần tính toán giảm thuế, phí để giảm thiểu rủi ro cú sốc tăng giá năng lượng nếu có” - ông Hải khuyến nghị.

Giá vàng SJC, vàng nhẫn 9999 tăng mạnh

Thị trường vàng trong nước tiếp tục chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999 nhưng vẫn thua sức bật của giá vàng thế giới.

Cụ thể, ngày 10-10, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tiếp tục tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với cuối phiên trước đó một ngày, đẩy giá mua lên 69,05 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 69,75 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng miếng SJC tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán, đưa giá mua - bán lên mức tương ứng 69 - 69,7 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, vàng nhẫn lại được các cửa hàng kinh doanh vàng tăng 200.000-250.000 đồng/lượng so với phiên trước đó một ngày, hiện giao dịch phổ biến quanh mức 56,3 - 57,3 triệu đồng/lượng.

Đây là mức cao nhất của vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 24K từ đầu năm đến nay. Với mức giá hiện tại, giá vàng miếng SJC đắt hơn vàng thế giới 14,5-16 triệu đồng/lượng và rẻ hơn vàng nhẫn 9999 hơn 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới vào đầu giờ chiều qua (theo giờ VN) dao động quanh mức 1.856 USD/ounce, tăng khoảng 12 USD/ounce so với giá thấp nhất trong phiên. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, kim loại quý quốc tế tương đương 54 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).

Thị trường vàng quốc tế đang chứng kiến sự khởi sắc do dòng tiền của các nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn trước xung đột vũ trang Israel - Hamas.

Tính chung từ ngày 6-10 đến nay, giá vàng thế giới tăng gần 50 USD/ounce, tương đương tăng khoảng 1,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 700.000 đồng/lượng và vàng nhẫn 9999 tăng gần 1 triệu đồng/lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm