Nhiều chính sách mới của các nước châu Âu mở đường cho lao động Việt Nam trong thời gian tới được các chuyên gia nêu ra tại buổi hội thảo trực tuyến “Nâng cao kỹ năng cho lao động Việt Nam, đáp ứng thị trường châu Âu” do Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Trường CĐ Viễn Đông tổ chức ngày 10-10.
Lao động đến Đức đã dễ dàng hơn
Đại diện Dự án ProRecognition Phòng Thương mại & Công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Vietnam) cho biết nhu cầu lao động của các nước châu Âu rất lớn. Trong năm 2022 có 630.000 vị trí thiếu hụt người lao động các ngành nghề, đặc biệt thiếu nhân lực chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, xây dựng, dịch vụ nhà hàng khách sạn và du lịch, công nghệ thông tin, điện - điện tử.
Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã thông qua Luật Nhập cư lao động lành nghề mới vào ngày 7-7-2023, dự kiến có hiệu lực từ cuối năm 2023 hoặc trong năm 2024. Với các chính sách mới, chính phủ Đức mong muốn có thể thu hút được nhiều nhân lực từ nước ngoài hơn.
Đại diện dự án này cũng cho biết điều kiện để có thể sang Đức làm việc đã cởi mở hơn trước. Cụ thể, người lao động có bằng cấp từ trung cấp hai năm trở lên, được Nhà nước sở tại công nhận, thủ tục công nhận văn bằng có thể thực hiện sau khi sang Đức nếu thỏa điều kiện mức lương, hợp đồng lao động hợp lệ, trình độ tiếng Đức mức cơ bản.
Tại đầu cầu Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, năm 2023 mục tiêu của Việt Nam đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó, mục tiêu hướng đến là tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống và mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là thị trường Đức trong các ngành nghề mới với công việc ổn định, thu nhập cao.
Người lao động sẽ được đào tạo bài bản tại nước bạn
Đức và nhiều quốc gia ở châu Âu không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để có được lao động tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của họ. Tại Đức, những ngành nghề đang thiếu hụt lao động lành nghề gồm điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm...
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp định hướng: đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động Châu Âu cần nâng cao nhận thức về di cư lao động hợp pháp. Đồng thời, cần xác định được nhu cầu lao động nước ngoài của các nước châu Âu từ ngành nghề, quy mô, yêu cầu về năng lực ở từng trình độ.
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông cho biết, trường đang đào tạo ngành điều dưỡng theo theo mô hình 2+2, đã đưa được nhiều sinh viên sang Đức học nghề và làm việc.
Các sinh viên 2+2 nằm trong chương trình đào tạo liên kết giữa trường với đối tác tại Đức. Học viên được tiếp cận chương trình đào tạo theo giáo trình nước ngoài hoàn toàn bằng tiếng Đức. Hai năm đầu, sinh viên được đào tạo trong nước và học ngoại ngữ, sau đó tiếp tục được đào tạo ở Đức theo hình thức vừa học vừa làm được trả lương.
“Giai đoạn học và làm việc tại Đức sẽ giúp các em trưởng thành hơn về nghề nghiệp và ngôn ngữ. Những sinh viên trung cấp này được nhận mức lương 1.300-1.500 euro/tháng, cao đẳng là mức 2.000 – 2.500 Euro/tháng.
Sau khi hoàn tất việc học, sinh viên có thể làm việc lâu dài tại Đức với mức lương lên đến 3.500 Euro/tháng (tương đương khoảng 90 triệu đồng/tháng). Hiện điều dưỡng tốt nghiệp chương trình này được nước sở tại đánh giá cao về chất lượng nhân lực” - ông Hải chia sẻ.
Cảnh báo tràn lan cơ sở đào tạo và tư vấn du học bất hợp pháp
Có quá nhiều đơn vị tư vấn tuyên truyền khắp trên mạng xã hội và các kênh truyền thông dù họ không có chức năng hợp pháp của ngành lao động, giáo dục đào tạo. Các đơn vị này đưa ra đủ loại thông tin chi phí học tập tiếng Đức, hồ sơ, mức lương... làm người học hoang mang, không xác định được đơn vị nào là chính thống.
Nhiều trung tâm dạy tiếng lại không có giấy phép, không có đơn vị kiểm tra chất lượng. Đáng nói, việc đưa du học sinh qua Đức nhưng không kết nối Tổng lãnh sự quán hay Đại sứ quán để thực hiện bảo hộ công dân. Từ đó dẫn đến hiện tượng phá hợp đồng xảy ra từ hai phía không có ai giải quyết.
Vì vậy, chúng tôi đề xuất phải tăng cường kiểm tra các cơ sở đào tạo và tư vấn du học quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Bà Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông