Giá vàng SJC bất động dù thế giới tăng 10 triệu

(PLO)-  So với 7 tháng trước, giá vàng thế giới tăng trên 10 triệu đồng mỗi lượng, trong khi đó giá vàng miếng SJC đứng im bất động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu giờ chiều ngày 22- 5, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng đang giao dịch quanh ngưỡng 1.977 USD/ounce – giảm không đáng kể so với giá mở cửa. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá kim loại quý quốc tế tương đương 56,2 triệu đồng/lượng.

Tính từ tháng 11 năm ngoái, ngoại trừ tháng 2 là giá vàng điều chỉnh giảm còn lại đều duy trì đà tăng mạnh mẽ. Tính chung gần 7 tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng trên 10 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng miếng SJC gần như bất động, vẫn giao dịch phổ biến ở mức 66 – 67 triệu đồng (mua – bán).

Giá vàng miếng không thay đổi trong hơn nửa năm qua

Giá vàng miếng không thay đổi trong hơn nửa năm qua

Hồi tháng 11, khi giá vàng thế giới quy đổi khoảng 49 triệu đồng/lượng nhưng vàng miếng SJC neo ở mức 67 triệu đồng/lượng (bán) khiến chênh lệch giữa vàng nội và ngoại lên khoảng 18 triệu đồng/lượng.

Nhưng giờ đây, khi giá vàng thế giới quy đổi leo thẳng lên 56 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC vẫn không đổi. Điều này đã khiến chênh lệch của vàng miếng SJC so với thế giới rút ngắn xuống còn 11 triệu đồng/lượng.

Theo ông Rick Rule, cựu Giám đốc điều hành của Sprott Holdings và người sáng lập quỹ đầu tư Rule Investment Media, đà tăng giá vàng kể từ tháng 11 năm ngoái là rất ấn tượng, nhưng những mức tăng đó mới chỉ động thái “khởi động” của chu kỳ tăng của giá vàng. Điều quan trọng là vàng có thể tăng tới mức nào.

Ông Rule tin rằng quỹ đạo đi lên của vàng là bền vững trong trung hạn. Bởi không có gì khiến người tiết kiệm lo lắng hơn lãi suất tăng không đủ để theo kịp lạm phát.

Mặc dù tuần trước, giá kim loại quý đã giảm 30 USD/ounce – mức giảm tồi tệ nhất tính theo tuần kể từ tháng 2 đầu năm nay nhưng kim loại quý nhanh chóng phục hồi trong phiên cuối tuần nhờ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell cho rằng lãi suất có thể không tăng nhiều do các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn sau những bất ổn của ngành ngân hàng.

Công ty chứng khoán VNDirect nhận định: Quan điểm của ông Powel vừa đưa ra được xem là một chỉ báo tích cực vì Fed không còn “dự đoán” về các đợt tăng lãi suất nữa. Thay vào đó, quyết định sẽ phụ thuộc vào số liệu vĩ mô thực tế sắp tới. Điều này gợi ý rằng chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.

Sau những tuyên bố có phần ôn hòa hơn về chính sách sắp tới, thị trường kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 và cắt giảm lãi suất sớm nhất trong nửa cuối năm 2023 do khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang gia tăng.

Công cụ dự báo lãi suất CME FedWatch Tool cho rằng, kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất vào tháng 6 đã giảm từ gần 50% xuống 20%.

Tại cuộc họp chính sách hồi đầu tháng 5, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, với biên độ tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng phạm vi lãi suất mục tiêu lên 5-5,25%, mức cao nhất kể từ giữa năm 2007.

Như vậy, chỉ trong hơn một năm, Fed đã tăng lãi suất 5%. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13-14/6.

Ngoài những kỳ vọng về lãi suất thay đổi, tiến độ đàm phán nâng trần nợ 31,4 nghìn tỉ đô la của chính phủ Mỹ bị tạm dừng cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng.

Một số chuyên gia cho rằng, đây là giai đoạn có rất nhiều rủi ro như khủng hoảng ngân ngân hàng, trần nợ, lạm phát... Nếu các cuộc đàm phán về trần nợ tiếp tục gặp khó khăn, giá có thể dễ dàng ổn định trên mức 2.000 USD/ounce vào tuần này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm