Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định rõ: Vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất. Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng và cơ quan này đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia từ 10 năm nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định đây là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý.
Nếu Ngân hàng Nhà nước bổ sung nguồn cung thì giá vàng miếng SJC sẽ hết thời cao chót vót. Ảnh: THÙY LINH |
Bất công cho ngành vàng
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết: Từ nhiều năm nay, một số công ty sản xuất, kinh doanh vàng quy mô lớn, có uy tín đã đề xuất NHNN cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu với mục đích sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong các văn bản kiến nghị, các công ty đề xuất không nhập đại trà, nhập nhiều mà chỉ xin nhập vài tấn vàng để giải bài toán nguồn nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức đang rất khan hiếm. Thế nhưng suốt bao nhiêu năm nay, nỗ lực xin nhập khẩu vàng nguyên liệu đều không được chấp thuận vì vướng quy định tại Nghị định 24/2012.
“Có thể ở thời điểm ban hành Nghị định 24/2012, dự trữ ngoại hối quốc gia còn mỏng nên cơ quan chức năng không cho nhập vàng nguyên liệu. Nhưng ở giai đoạn này, quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia đã lên tới trên 100 tỉ USD. Giả sử NHNN đồng ý cho nhập 5 tấn vàng cũng chỉ tốn 250 triệu USD, tương đương 0,25% thì làm sao có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Đó là chưa kể sau khi nhập vàng nguyên liệu về, các công ty có thể chế tác rồi xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước” - ông Khánh phân tích.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một công ty sản xuất, kinh doanh vàng tại TP.HCM nêu quan điểm: Lẽ ra NHNN cho phép các doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh vàng thì phải cho phép được nhập vàng nguyên liệu mới hợp lý. Không cho nhập thì chúng tôi lấy nguyên liệu đâu để sản xuất vàng. Trong khi đó, ngành vàng cũng tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn thợ kim hoàn, hàng ngàn nhân viên bán vàng, đóng góp biết bao nhiêu tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
Cần có thêm nhiều công ty cùng sản xuất vàng miếng thay vì chỉ giữ độc quyền duy nhất một thương hiệu vàng SJC như hiện nay.
“Nếu NHNN vẫn giữ quan điểm không sửa Nghị định 24/2012, không cho nhập khẩu vàng nguyên liệu thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới khó mà thu hẹp và nguy cơ vàng lậu tràn vào nước ta vẫn hiện hữu” - vị lãnh đạo công ty vàng nói.
Cần lập sàn vàng
Nhiều nước trên thế giới đã có sàn giao dịch vàng. Do đó, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng tại Việt Nam dưới sự quản lý và điều hành của NHNN.
Nếu không có sàn giao dịch vàng sẽ khó huy động được nguồn vàng trong dân. Đồng thời, người dân cũng thiệt hại lớn do phải mua vàng trong nước với giá cao hơn nhiều so với thế giới, trong khi đó lại tạo lỗ hổng cho đối tượng buôn lậu vàng trục lợi.
Ông HUỲNH TRUNG KHÁNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam
Không còn phù hợp thực tế
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nêu quan điểm: Nghị định 24 được ban hành từ năm 2012 nhằm mục đích chống đô la hóa, chống vàng hóa nền kinh tế cũng như ổn định giá vàng và phát triển thị trường vàng trong nước theo hướng liên thông với thị trường vàng quốc tế. Mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa đã đạt được. Riêng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng thì chưa đạt được. Bằng chứng là giá vàng SJC quá đắt đỏ so với thế giới.
“Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan liên quan, mà nhất là NHNN cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện tại nữa” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cũng cho rằng: Giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là chấm dứt tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng. Bởi Nghị định 24/2012 quy định Nhà nước độc quyền nhưng đến nay đã có nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Chấm dứt tình trạng độc quyền nghĩa là cấp phép thêm cho hai hoặc ba công ty xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng. Khi vàng và hàng hóa nói chung vận hành theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh bình đẳng thì giá cả sẽ dần được quyết định theo quy luật cung - cầu chứ không phải bằng biện pháp hành chính như hiện nay.
“Khi đó, giá vàng trong nước sẽ tự thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Như vậy, không chỉ quyền lợi của người dân được đảm bảo mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ phát triển, qua đó sẽ góp phần tạo nên động lực mới cho nền kinh tế” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.•
Xem xét sửa đổi Nghị định 24
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngành NH mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trước đây xây dựng Nghị định 24/2012 với mục đích để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế, chống đô la hóa. Sau 10 năm với những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của vàng thế giới với Việt Nam…, vì vậy NHNN đang cử các đoàn nghiên cứu, đánh giá lại câu chuyện về vàng trong nền kinh tế; đánh giá nhu cầu thực của người dân, đánh giá các thương hiệu vàng… để có hướng sửa đổi Nghị định 24 hợp lý.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo và đặt ra lộ trình xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp. Qua đó để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức” - ông Tú nhấn mạnh.