Chốt tuần qua, giá vàng thế giới ở quanh mức 2.500USD/ounce (tương đương khoảng 76,87 triệu đồng/lượng). Nguyên nhân vàng chưa thể đắt đỏ hơn có phần do số liệu thị trường lao động Mỹ không suy yếu nhiều như thị trường dự báo, và như thế Fed nhiều khả năng sẽ chỉ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tuần tới, thấp hơn so với kỳ vọng Fed hạ lãi suất đến 50 điểm cơ bản.
Tháng 8, kinh tế Mỹ chỉ tạo 142.000 việc làm, thấp hơn so với kỳ vọng 164.000. Tỷ lệ thất nghiệp từ 4,3% tháng trước chỉ giảm xuống mức 4,2%..
Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Bắc Mỹ của Citigroup, ông Paul Ashworth, nhận xét dữ liệu ấy chỉ vừa đủ để Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản chứ không thể sâu hơn. Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo, ông Ole Hansen, cũng chia sẻ quan điểm này: “Báo cáo về thị trường việc làm không đủ bi quan để có khả năng hạ lãi suất 50 điểm cơ bản vào cuộc họp của Fed ngày 18-9 tới”.
Giới chuyên gia cho rằng việc Fed cắt giảm lãi suất cơ bản ở mức vừa phải như vậy chỉ ảnh hưởng nhẹ tới giá vàng thế giới trong ngắn hạn. Thực tế chứng minh điều đó, kim loại hấp dẫn này đã không thể vượt qua mốc 2.550USD/ounce dù trải qua nhiều phiên giao dịch kịch tính.
Còn khả năng tới đây thế nào? Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, ông Philip Streible, cho rằng trong ngắn hạn giá vàng thế giới sẽ không thể vượt qua mốc 2.550USD/ounce, nhưng về dài hạn sẽ cao hơn (2.550USD/ounce tương đương 76,98 triệu đồng/lượng).
Theo Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại FXTM, ông Lukman Otunuga, giá vàng thế giới những ngày tới sẽ đây tùy thuộc vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng Mỹ - sẽ công bố thứ tư tuần này, chỉ số giá sản xuất và số lượng người thất nghiệp lần đầu của Mỹ - thứ năm; chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ - thứ sáu.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đợi kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ năm tới.