Giải bài toán năng lượng châu Âu và chuyện trừng phạt Nga

(PLO)- Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu hiện tại được xem nghiêm trọng hơn cả cú sốc dầu mỏ năm 1973, tình hình này đặt ra câu hỏi liệu châu lục này có “nghĩ lại” chuyện trừng phạt Nga?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin Reuters, kể từ khi phương Tây áp trừng phạt Nga hồi tháng 2, kinh tế châu Âu có nguy cơ suy thoái trầm trọng khi nhiều nước trong khối ghi nhận mức lạm phát hơn 10%.

Sau nhiều tháng vật lộn khó khăn do thiếu năng lượng, nắng nóng kéo dài, giá cả hàng hóa tăng cao, sắp tới châu Âu còn có thể phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt chưa từng thấy do thiếu hụt năng lượng trầm trọng.

Hoàn cảnh hiện tại này đặt ra câu hỏi “liệu tình trạng thiếu hụt năng lượng này có dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn châu Âu hay không” và “liệu châu Âu có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Nga hay không?”.

Một đoạn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1. Năm ngoái đường ống này cung cấp 35% lượng khí đốt Nga xuất sang châu Âu nhưng từ tháng 6 đến nay Nga giảm công suất chỉ còn 20% so với bình thường. Ảnh: REUTERS

Một đoạn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1. Năm ngoái đường ống này cung cấp 35% lượng khí đốt Nga xuất sang châu Âu nhưng từ tháng 6 đến nay Nga giảm công suất chỉ còn 20% so với bình thường. Ảnh: REUTERS

Trầm trọng hơn cú sốc dầu mỏ năm 1973

Nga là nguồn cung năng lượng lớn nhất của châu Âu, cung cấp khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt của châu lục này. Phần lớn các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dựa vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga để sưởi ấm, nấu ăn và sản xuất điện.

Kể từ khi Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt hồi tháng 7, châu Âu điêu đứng vì giá khí đốt tăng khiến giá các mặt hàng tiêu dùng bị đẩy lên cao, gia tăng lạm phát tại nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, theo dữ liệu Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat công bố hồi tháng 8, lạm phát ở Đức là 8,8% so với một năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn năm năm qua. Hiện 1/3 các nước EU chịu mức lạm phát trên 10%, trong đó có Tây Ban Nha (10,3%). Một số nước như Pháp, Malta và Phần Lan lạm phát có phần nhẹ hơn song vẫn nằm ở mức khá cao, lần lượt là 6,8%, 7,1% và 7,6%.

Chuyên gia Fabian Ronningen từ tổ chức nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định rằng các nước châu Âu đang nằm ở giai đoạn “khát năng lượng trầm trọng”, dẫn đến giá nhiều loại năng lượng như khí đốt, điện, xăng dầu đều tăng cao gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế. Một số nước châu Âu vừa quy định giá điện mới mà người dân phải đóng trong năm mới. Tại Đức và Pháp, giá điện tăng gấp 10 lần so với năm ngoái.

Tình trạng của châu Âu hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn cú sốc dầu mỏ năm 1973 xuất phát từ việc Mỹ ủng hộ Israel và các nước Ả Rập vốn đang tranh chấp với Israel đã cấm vận - ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang phương Tây. Khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ sau đó lan rộng ra toàn cầu, đặc biệt ở khu vực châu Âu. Các nước châu Âu phải tìm thêm các nguồn thay thế, tiêu biểu là từ Nga. Chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon lúc đó phải đàm phán đa phương, sắp xếp để Israel rút khỏi bán đảo Sinai và cao nguyên Golan. Các thỏa thuận giữa Israel và Syria đã thuyết phục được các nhà sản xuất dầu Ả Rập dỡ bỏ cấm vận vào tháng 3-1974.

Các biện pháp trừng phạt về lâu dài sẽ tác động lớn đến kinh tế Nga song EU vẫn có thể sẽ thất bại nặng nề trong cuộc chiến này, trước khi điện Kremlin chào thua.

Chuyên gia JEAN PISANI-FERRY tại tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ)

Dỡ bỏ hay giữ trừng phạt?

Năm 1973, châu Âu bị các nước Trung Đông cấm vận dầu mỏ, hiện tại đối mặt với nguy cơ bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Điểm chung của cả hai sự kiện trên là đều khiến kinh tế châu Âu điêu đứng. Thời điểm năm 1973 giá dầu tăng gấp bốn lần mức bình thường, hiện tại giá năng lượng tăng đến 10 lần. Bên cạnh giá cả, nguồn cung cũng làm châu Âu đau đầu. Hiện có lo ngại rằng châu Âu sẽ thiếu hụt năng lượng cho mùa đông khi nhiều kho khí đốt tại các nước châu Âu vẫn chưa được nạp đầy, theo tạp chí Foreign Policy.

Chưa hết, tệ hơn thời điểm năm 1973, lúc này châu Âu phải đối mặt với nhiều vấn đề đan xen. Hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện, giá nhiên liệu tăng cao khiến lạm phát tăng, cộng thêm việc thiếu nguồn năng lượng dự trữ cho mùa đông có thể khiến khủng hoảng tại châu Âu trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nói khủng hoảng năng lượng tại EU là tình huống do chính khối này tự tạo ra và ông nhận định rằng trước mắt phương Tây sẽ có hai phương án ứng phó với kịch bản trên.

Thứ nhất, phương Tây có thể giải quyết khủng hoảng năng lượng trước mắt nếu chịu dỡ bỏ trừng phạt Nga và khởi động lại đường ống dẫn khí Nord Stream II vốn bị trì hoãn do các lệnh trừng phạt hồi tháng 2. Khi đó việc khôi phục nguồn cung năng lượng cho châu Âu diễn ra nhanh hơn.

Trường hợp thứ hai, phương Tây có thể giữ vững lập trường là tiếp tục trừng phạt Nga nhưng điều này sẽ gây áp lực lớn lên kinh tế EU và đặt ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân khi giá năng lượng ngày càng cao và mùa đông lại đang đến gần.

Theo Reuters, cho tới lúc này châu Âu không tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Nga nhưng từng có tiền lệ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Hồi tháng 7 EU từng có một số biện pháp giảm nhẹ từng phạt Nga để đạt được một số thỏa thuận với Moscow về tài chính, phân bón và lương thực. Theo đó, việc xuất khẩu lương thực từ các cảng của Nga được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Động thái này giúp Nga giải phóng lượng hàng hóa nông nghiệp vô cùng lớn, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu lương thực, phân bón và giải quyết nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, khi Nga là nước xuất khẩu phân bón và lúa mì lớn nhất thế giới.•

EU làm gì để giải quyết tình trạng khủng hoảng trước mắt?

Trước mắt, EU đang tìm các nguồn cung thay thế khí đốt từ Nga. Theo hãng tin AP, sau khi Nga thắt nguồn cung ứng khí đốt thì nhiều nước châu Âu đã yêu cầu tăng vận chuyển khí đốt từ Na Uy sang, do đây là khu vực cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho châu Âu sau Nga. Các mỏ khí đốt của Na Uy hiện hoạt động với công suất lớn song vẫn khó bù lại nguồn cung mất đi từ Nga.

Theo tờ The Washington Post, EU có lựa chọn khác là mua khí đốt từ Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, giá cả và cước vận chuyển cao khiến chi phí nhập khẩu tốn kém hơn nhiều so với nhập từ Nga. Với các lãnh thổ không có đường biển thì việc nhập khẩu lại càng khó khăn, do khí đốt chủ yếu được vận chuyển bằng đường hàng hải.

Theo tờ Nikkie Asia, châu Âu còn đang tính thống nhất các thỏa thuận về năng lượng với khu vực ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) trong hội nghị thượng đỉnh cuối năm nay. EU sẽ đàm phán với các quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ như Malaysia và Indonesia, vốn là thứ EU đang cần để giải quyết các vấn đề năng lượng hiện tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm