‘GIẢI CỨU’ CHỢ TRUYỀN THỐNG

'Giải cứu' chợ truyền thống - Kỳ 2: Nỗ lực chuyển đổi vẫn... ế!

(PLO)- Trước tình hình buôn bán ế ẩm, nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM đã thay đổi hình thức kinh doanh, số hoá trong công tác quản lý, thanh toán không tiền mặt,... để vực dậy việc kinh doanh, thế nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Kỳ 2 phóng sự: 'Giải cứu' chợ truyền thống.

TP.HCM hiện có 230 chợ, hầu hết các chợ đều nằm ở những vị trí thuận lợi, dễ diễn ra các hoạt động mua bán. Cách đây vài năm, khi các kênh online chưa phát triển, chợ truyền thống là kênh phân phối chủ lực, tuy nhiên khi dịch Covid-19 xảy ra đã ít nhiều tác động, làm thay đổi thói quen người tiêu dùng. Một trong những ảnh hưởng đó là nền kinh tế bị suy thoái, thu nhập người dân bấp bênh, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu khiến sức mua ở chợ truyền thống giảm mạnh.

Theo bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM: “Sở đang nghiên cứu, đề xuất các chính sách để chợ truyền thống phát triển thích ứng với sự thay đổi của thị trường trong thời gian tới. Chúng tôi tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ. Bên cạnh đó, Sở cũng đã có triển khai chợ trực tuyến, các giải pháp không dùng tiền mặt hỗ trợ thương nhân bán hàng trên kênh thương mại điện tử".

Từ định hướng trên, tại chợ Bình Tây, 6 tháng đầu năm 2024, Ban quản lý đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho nhân viên và hơn 300 tiểu thương chợ về nâng cao chất lượng phục vụ khách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tìm hiểu các mô hình kinh doanh trực tuyến.

MVI_9679.MP4.00_00_02_07.Still001.jpg
Buổi tập huấn bán hàng trực tuyến cho tiểu thương chợ Bình Tây.

Anh Lý Phương Nam (tiểu thương) cho biết: “Từ khi sạp mình bán trên shopee đã có nhiều đơn hàng hơn, các mặt hàng được nhiều người biết tới”.

Dù kinh doanh online khả quan nhưng số tiểu thương quan tâm, thay đổi cách thức buôn bán như anh Nam chỉ chiếm 1/3 tiểu thương tại chợ Bình Tây.

Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Phương, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Tây, những hộ kinh doanh không có nhu cầu bán online đa số do chủ sạp lớn tuổi, chưa tiếp cận điện thoại thông minh.

Trong công tác quản lý, chợ Bình Tây đã xây dựng app để quản lý ngành hàng, sạp,…Chợ cũng khuyến khích tiểu thương áp dụng thanh toán không tiền mặt trong mua bán để an toàn.

Cho- truyen- thong thum.JPG
Các tiểu thương chợ Bình Tây áp dụng không sử dụng tiền mặt gần 100% từ cuối năm 2023.

Tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Ban Quản lý chợ cũng vận động các hộ thay đổi theo phương thức bán online, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Anh Thái Bình Sơn, Trưởng Ban quản lý chợ, chia sẻ: “Ban quản lý từng mời các chuyên gia kinh doanh online về hướng dẫn cho tiểu thương nhưng các hộ kinh doanh phản hồi không có hiệu quả bởi giá cả cạnh tranh, tốn chi phí chạy quảng cáo".

Sau khi đăng mặt hàng quần áo lên mạng xã hội để bán, chị Cẩm Bình (tiểu thương) chia sẻ: “Để cạnh tranh với thị trường online mình buộc phải mua lượt tương tác, chạy quảng cáo thu hút người xem, tuy nhiên việc này gây tốn chi phí, không đủ vốn thu hồi nên mình đã nghỉ”.

4.jpg
Sau thời gian thử bán online, đa số tiểu thương tiếp tục tập trung xu hướng buôn bán truyền thống.

Về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai đã triển khai ứng dụng quản lý hộ sạp, các khoản thu của tiểu thương từ cuối năm 2023. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ chưa áp dụng do tiểu thương lớn tuổi, không rành sử dụng điện thoại thông minh.

Tại chợ đầu mối Nông Sản Thủ Đức, đại diện ban quản lý cho biết đã tuyên truyền các tiểu thương lập các hội nhóm chat trong zalo để trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương nhận định hình thức chào hàng này chỉ thuận tiện với khách quen, chưa thể tiếp cận được nhiều khách mới.

IMG_5065.jpg
Cảnh buôn bán ế ẩm ở chợ đầu mối Nông Sản Thủ Đức, TP.HCM.

Bên cạnh việc ảnh hưởng do thị trường online phát triển, chợ truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế khác như cơ sở hạ tầng xuống cấp, chợ tự phát bủa vây,...

Cho-truyen-thong.jpg
Hàng trăm sạp hàng lấn chiếm bên ngoài khuôn viên chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).

Các ngôi chợ truyền thống tại TP.HCM đều có lịch sử lâu đời, không chỉ là nơi mưu sinh của một bộ phận người dân mà còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa. Thế nhưng, những thách thức đang tồn tại khiến chợ truyền thống dần mất đi vị thế, vậy mô hình nào cho sự phát triển bền vững của chợ truyền thống trong tương lai? Cùng đón xem kỳ 3 của loạt phóng sự 'Giải cứu' chợ truyền thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm