Hướng đi mới cho chợ truyền thống

(PLO)- Các chợ truyền thống mang dáng dấp lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành cần hướng đến bán hàng hóa kết hợp phát triển du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM hiện có 232 chợ truyền thống. Đây là một trong những kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng nhưng từ sau dịch COVID-19 đến nay, nhiều chợ truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm, vì vậy cần tìm hướng đi mới.

Chuyển hướng bán hàng online, giao hàng tận nhà

Khảo sát tại các chợ Tân Định (quận 1), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận)…, chúng tôi nhận thấy lượng khách không nhiều, người bán mòn mỏi chờ người mua.

Chị Hà, tiểu thương bán trứng gia cầm tại chợ Bà Chiểu, cho biết do xung quanh chợ có nhiều điểm bán tự phát nên người dân không vào bên trong chợ mua hàng. “Trước đây, một ngày tôi có thể bán được 1 triệu đồng nhưng giờ doanh thu giảm một nửa, thậm chí nhiều hơn” - chị Hà thở dài.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Phước Long (quận 7), đánh giá sức mua tại chợ từ đầu năm đến nay giảm 40% so với trước dịch. Hơn nữa, tình trạng chợ tự phát xung quanh rất nhiều khiến hoạt động mua bán của tiểu thương trong chợ càng ế ẩm hơn. “Tiểu thương bỏ chợ rất nhiều, với tỉ lệ khoảng 20%-30%” - ông Hùng nói.

Để tự cứu mình, nhiều tiểu thương bán hàng qua kênh online cũng như tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi giống như các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi. Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Ban quản lý chợ Võ Thành Trang, cho biết bên cạnh khoảng 60% tiểu thương đang kinh doanh tại chợ, số còn lại chủ động triển khai bán qua mạng, bán qua tin nhắn…, sau đó giao hàng đến tận nhà cho khách. Nhờ đó đáp ứng nhu cầu mua sắm tiện lợi của người tiêu dùng.

Khách du lịch mua sắm tại chợ An Đông, quận 5, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Khách du lịch mua sắm tại chợ An Đông, quận 5, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cũng thông tin nhằm đáp ứng xu hướng mua sắm tiện lợi cho du khách, thời gian qua nhiều tiểu thương tại chợ áp dụng thanh toán không tiền mặt qua mã QR, thanh toán qua máy POS. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung của Sở Công Thương TP.HCM, ban quản lý chợ đã vận động 280 hộ kinh doanh giảm giá 5%-30% để kích cầu mua sắm.

“Với nhiều hình thức thanh toán đa dạng, cùng với các chương trình khuyến mãi đã góp phần giúp tăng lượng khách đến chợ mua sắm và hoạt động kinh doanh của bà con tiểu thương sôi động hơn” - đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành chia sẻ.

Không thay đổi, chợ truyền thống sẽ gặp khó

Lý giải lượng khách đến chợ truyền thống ngày càng giảm, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cho rằng một điểm bán lẻ phải giải quyết được ba nhu cầu cho người tiêu dùng. Thứ nhất là sự tiện lợi, tức gần nhà hoặc tiết kiệm thời gian. Thứ hai, chất lượng hàng hóa phải đảm bảo, an toàn. Thứ ba, giá cả hàng hóa phải hợp lý, rẻ. Nhưng nhìn chung hiện chợ truyền thống đang yếu thế cả ba yếu tố trên.

Bên cạnh đó, chợ truyền thống phần lớn phục vụ tệp khách hàng lớn tuổi, giới trẻ gần như không có khái niệm mua hàng ở chợ truyền thống vì hình ảnh chợ không sạch sẽ, thoáng mát, nói thách… Như vậy, khách đến chợ truyền thống giảm là đương nhiên.

Hơn nữa, chợ truyền thống phần lớn không có chiến lược tiếp cận khách hàng. Trong khi các siêu thị, cửa hàng nhỏ… gần như đều có hoạt động thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ, đặc biệt chủ động bán hàng qua mạng xã hội, mạnh hơn là có cửa hàng trên Shopee, TikTok. Vì thế, lượng khách hàng đến chợ truyền thống chắc chắn ngày càng ít đi. “Nếu người bán không có chiến lược thu hút tệp khách hàng trẻ hơn sẽ bị giảm khách hàng” - TS Khương nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng nhìn nhận khách hàng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng hàng hóa nên tin tưởng mua sắm ở các hệ thống phân phối hiện đại. Song song đó, khách hàng chọn kênh mua sắm online nhiều hơn nhờ tính tiện lợi. Đây là xu hướng chung trên thế giới.

“Việt Nam cũng đang theo xu hướng này và chúng ta cần hiểu quy luật như vậy để tìm cách thích ứng. Điều quan trọng là đối với các chợ truyền thống mang dáng dấp lịch sử, văn hóa cần củng cố, bảo tồn… để phục vụ du lịch như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây” - TS Điền gợi ý.

TS Điền cũng đề xuất cần chuyển đổi, nâng cấp một số chợ truyền thống thành các siêu thị mini với nhiều tiện ích mua sắm, đồng thời hỗ trợ tiểu thương các kỹ năng có thể bán hàng qua mạng phù hợp với xu hướng hiện đại.

Triển khai mô hình “chợ trực tuyến”

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết thời gian tới, sở phối hợp với UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các chợ truyền thống. Đồng thời tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với thương nhân kinh doanh tại chợ. Ưu tiên quan tâm đến việc tổ chức nguồn hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa được niêm yết giá rõ ràng.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ truyền thống, Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục tập trung các giải pháp tăng cường giải quyết dứt điểm các điểm, khu vực kinh doanh tự phát, không để tái phát sinh và phát sinh mới; tổ chức bố trí, sắp xếp các trường hợp mua bán tự phát vào kinh doanh tại các chợ truyền thống còn trống trên địa bàn.

“Sở tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình “chợ trực tuyến” trên cơ sở ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin, phương thức thương mại điện tử. Hỗ trợ tiểu thương tại các chợ truyền thống kinh doanh theo phương thức mới, đa dạng kênh tiếp cận, giao dịch với khách hàng, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao các kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh…” - đại diện Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh.

Tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng

Chợ truyền thống cần thích ứng với nhu cầu và sở thích đang thay đổi của khách hàng trong thế giới hiện đại, đồng thời vẫn giữ được bản sắc và nét quyến rũ độc đáo của chợ.

Một số biện pháp khả thi để duy trì, phát triển chợ truyền thống có thể là đổi mới mô hình kinh doanh để tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Chẳng hạn như cung cấp sản phẩm đa dạng và chất lượng hơn; cung cấp các dịch vụ bổ sung như tham quan, ẩm thực, hình thành quan hệ đối tác với các bên liên quan như nông dân; tổ chức các lễ hội, sự kiện tại chợ để thu hút du khách và người dân địa phương.

Tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng như cung cấp dịch vụ đặt hàng, giao hàng trực tuyến, các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số và tiếp thị truyền thông xã hội.

TS TRẦN QUANG THẮNG,
Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm