Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, rất khó chủ động về thị trường đầu ra cho nông sản, thủy sản nên nhiều doanh nghiệp (DN) đã tập trung đầu tư kho lạnh. Nhờ đó đáp ứng được phần nào nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thiếu kho lạnh, kho mát trữ hàng
Tập đoàn Vina T&T chuyên xuất khẩu những loại trái cây như thanh long, sầu riêng, nhãn, vú sữa, bưởi, xoài… sang các thị trường trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada. Do vậy, nhu cầu về kho lạnh bảo quản trái cây rất lớn. Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT tập đoàn này, cho hay kho lạnh gồm có kho mát và kho đông lạnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với các mặt hàng nông sản, nhất là thời điểm vào vụ thu hoạch rộ.
Tuy vậy, hệ thống kho lạnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên có những thời điểm đầy kho, không còn chỗ chứa hàng nông sản. Giá lưu kho lạnh vì vậy cũng tăng lên, đẩy chi phí của DN tăng theo trong khi lợi nhuận giảm xuống.
Trước tình trạng trên, công ty đã đầu tư xây dựng kho lạnh tại các vùng nguyên liệu. Nhờ đó khi các loại nông sản vào vụ thu hoạch dù gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá xuống rất thấp nhưng công ty vẫn thu mua với mức giá theo đúng hợp đồng đã cam kết với nông dân. Cũng nhờ có kho lạnh nên công ty đẩy mạnh thu mua để trữ đông với lượng hàng mua vào có thể tăng gấp nhiều lần so với bình thường.
“Qua đó công ty vừa có được nguồn hàng dồi dào, vừa bảo quản tốt chất lượng nông sản và giúp nông dân tránh được tình trạng được mùa, mất giá. Tuy nhiên, thời gian tới có thể xảy ra tình trạng thiếu kho lạnh vì dịch bệnh kéo dài, hàng hóa xuất không được, tàu dài ngày hơn, cước container tăng” - ông Tùng nói.
Lãnh đạo nhiều công ty khác cũng đánh giá hiện nay không chỉ kho lạnh thủy sản đông lạnh mà những kho bảo quản lúa gạo, cà phê… cũng rất khó khăn. Đặc biệt, hiện nay tại ĐBSCL do tình hình dịch bệnh nên giao thương khó khăn, hàng hóa có thể ùn ứ, nếu không có kho lạnh sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, một số công ty đã tự cứu mình bằng cách đẩy mạnh đầu tư kho lạnh để trữ hàng cho công ty mình và cho thuê lại.
Đơn cử, từ một công ty chuyên chế biến xuất khẩu thủy sản, Công ty Thủy sản Cafatex đã chuyển sang đầu tư kho lạnh cho thuê vì nhận thấy nhu cầu rất lớn tại khu vực ĐBSCL. “Có những thời điểm thủy sản chế biến bị dội chợ, dội hàng nên các DN phải trữ đông để chờ tiêu thụ, song năng lực kho lạnh không đủ đáp ứng cho dự trữ. Thậm chí do không đủ chỗ chứa nên họ phải chuyển hàng lên thuê các kho lạnh tại TP.HCM song có lúc không thuê được vì các kho đã đầy hàng” - ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Cafatex, nêu thực tế.
Vì vậy, Cafatex quyết định đầu tư kho lạnh ở Cần Thơ cho các DN thủy sản thuê. Không chỉ vậy, công ty đang làm các thủ tục xin cấp phép đầu tư cho kho lạnh mới với quy mô lớn hơn.
“Nếu nguồn cung kho lạnh đảm bảo thì các DN mới mạnh dạn thu mua tôm, cá cho nông dân với giá tốt. Tránh được tình trạng xuất khẩu gặp khó, DN chỉ mua vừa đủ trữ kho lạnh, giá tôm, cá rớt, nông dân thua lỗ phải treo ao. Ngoài ra, có kho lạnh hoặc có nơi để thuê, DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ chủ động được đầu ra, bán được giá” - ông Kịch phân tích.
Sầu riêng được đưa vào cấp đông với nhiệt độ cực lạnh -40 độ C để bảo quản được lâu và đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ. Ảnh: QH
Cần sự hỗ trợ từ Nhà nước
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe nhìn nhận hiện nay công suất kho lạnh còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nên khi dịch COVID-19 xảy ra dẫn đến tình trạng thiếu kho lạnh. Hệ quả là các DN không thể thu mua được nhiều hơn nguồn nguyên liệu tôm, cá mà bà con sản xuất ra và khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.
“Một trong những lý do dẫn đến tình trạng phát triển kho lạnh trữ thủy sản chậm là chi phí đầu tư khá lớn. Vì vậy, cần có cơ chế chính sách cụ thể cho đầu tư hệ thống kho lạnh trữ hàng trước mắt và cả lâu dài để giúp các DN vượt qua khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Hòe nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vasep thông tin thêm, cơ quan này đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ phát triển kho lạnh. Cụ thể, cho các DN được vay với lãi suất 0% trong hai năm đầu và giảm lãi suất 50% trong bốn năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên. Bên cạnh đó, cơ quan này kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho hai năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T, cho rằng nếu các DN đủ nguồn lực tự đầu tư làm kho lạnh là điều tốt vì chủ động lượng hàng, đầu ra, đầu vào. Tuy vậy, nếu đầu tư xây kho quá lớn thì nguy cơ sẽ dẫn đến lãng phí, vì không phải thời điểm nào cũng cần trữ hàng.
Vì vậy, ông Tùng cho rằng cần những nhà đầu tư chuyên kho lạnh để cho thuê và để làm được điều này rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ví dụ, tiền điện của các kho lạnh có thể được Nhà nước hỗ trợ giảm trong thời điểm nhiều nông sản thu hoạch rộ hoặc thời điểm khó khăn về đầu ra do dịch bệnh, vận chuyển xuất khẩu…
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, đề xuất các cơ quan chức năng cần có thống kê về nguồn cung kho lạnh so với nhu cầu của từng ngành, từng thời vụ, thời điểm. Từ đó đưa giải pháp hợp lý để phát triển. “Việt Nam thiếu kho lạnh, kho mát cho các loại rau quả, trái cây. Nếu có ngành này phát triển sẽ giải quyết được vấn đề giải cứu nông sản xảy ra nhiều năm nay, giúp giữ giá nông sản, tránh thua lỗ, thiệt hại vì nông sản bị hư hỏng phải đổ bỏ” - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Cả nước chỉ có 48 kho lạnh bảo quản nông thủy sản Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 48 kho lạnh bảo quản nông thủy sản với công suất đạt khoảng 700.000 palet. Ngoài ra có hàng ngàn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước tính đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định, chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực ĐBSCL. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương, DN xây dựng nhiều kịch bản tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19. Trong đó, chú trọng đến giải pháp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông... |