TP.HCM: Đảm bảo cung ứng thực phẩm thiết yếu cho dân​

UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, UBND TP yêu cầu phải dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống, giao Sở Công Thương hướng dẫn các quận, huyện áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn.

Ghi nhận thực tế cho thấy hiện nay hàng loạt chợ tự phát và bán hàng rong, quán cóc lấn chiếm vỉa hè cơ bản đã bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, khi chợ tự phát bị dẹp thì khách hàng tràn qua chợ truyền thống và siêu thị khiến nhu cầu mua sắm tại đây tăng cao.

Chợ truyền thống: Một số mặt hàng tăng giá

Ngày 22-6, ghi nhận tại một số chợ như Tân Bình, Hoàng Hoa Thám, Bà Hoa (quận Tân Bình) cho thấy phần lớn các khu vực buôn bán tự phát xung quanh đã bị dẹp bỏ. Các lối phụ vào chợ đều được giăng dây, dựng biển cấm. Nếu muốn vào chợ mua sắm, người dân phải gửi xe vào bãi, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn...

Bà Lệ, tiểu thương bán thịt heo bên trong chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết: Theo quy định của chợ, mỗi sạp chỉ được bán cho hai khách hàng, cộng với tiểu thương là ba người cùng lúc. Nếu khách nhiều hơn thì phải đứng cách xa sạp, chờ đến lượt mua nên khách không thể đông được.

“Về giá cả, dù hiện nay giá thịt heo các loại mua sỉ tại chợ đầu mối tăng 10.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ vẫn không tăng đáng kể. Chẳng hạn, thịt heo ba rọi rút sườn giá 180.000 đồng/kg, ba rọi 160.000-170.000 đồng/kg”- bà Lệ cho hay.

Trong khi đó, ông Hùng, tiểu thương bán trứng gia cầm, thông tin trứng gia cầm hút hàng, giá tăng 3.000 đồng/chục mà không có để bán. Hiện giá trứng gà dao động 23.000-27.000 đồng/chục, trứng vịt 35.000-40.000 đồng/chục tùy kích cỡ.

Ông Hùng nói: “Hai hôm nay, tôi kêu mối giao hàng cho bốn cây trứng (mỗi cây 300 trứng). Họ hẹn trưa 22-6 giao nhưng chỉ được hai cây, vì mối phải phân chia đều cho các điểm bán khác”.

Nhiều tiểu thương bán mặt hàng tươi sống tại các chợ cũng cho hay từ khi dẹp chợ tạm, khách vào bên trong chợ để mua nhiều hơn. Giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng lên. Bà Hiền, tiểu thương ngành hàng rau củ tại chợ Phạm Văn Hai, dẫn chứng bầu, bí, dưa leo lên mức 30.000-35.000
đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng; bí đỏ hồ lô tăng 10.000 đồng, lên 30.000 đồng/kg; đậu que lên mức 50.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng.

Theo ông Thái Bình Sơn, Trưởng Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, hiện nay chợ vẫn mở cửa hoạt động bình thường, trong đó chủ yếu là tiểu thương các ngành hàng thực phẩm thiết yếu và kinh doanh ăn uống với khoảng 10%. “Chợ đảm bảo việc thực hiện theo Chỉ thị 10 của TP, như đảm bảo mật độ giãn cách 1,5 m, ngành hàng ăn uống chỉ bán mang đi…” - ông Sơn nói.

Ghi nhận tại một số chợ ở quận Gò Vấp cho thấy nguồn cung hàng hóa tương đối ổn định, giá không biến động lớn. Đáng chú ý, nhiều thương nhân tăng cường bán hàng thông qua điện thoại, online, mạng xã hội. Khách hàng chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng sẽ được nhanh chóng giao hàng tận nơi.

Các siêu thị cam kết đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, kể cả khi thị trường có biến động mạnh vẫn dồi dào hàng hóa. Ảnh: TÚ UYÊN

Siêu thị: Hàng dồi dào, giá ổn định

Đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đánh giá sức mua tăng mạnh sau khi có chủ trương dẹp chợ tự phát. Đại diện VinCommerce cho hay hiện các loại hàng hóa đảm bảo luôn đầy ắp 100% dung lượng quầy, kệ. Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng thiết yếu luôn dự phòng sản lượng dư hàng để không xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng.

Tương tự, đại diện Saigon Co.op cho hay ngay từ đầu đơn vị đã chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với dịch, từ các phương án đảm bảo an toàn môi trường siêu thị, hàng hóa, nhân sự đến giao hàng tận nơi. Hiện Saigon Co.op đang vận hành hơn 800 cửa hàng, siêu thị trên cả nước để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.

“Chúng tôi vẫn đang chủ động nguồn hàng với giá tốt để cung ứng ra thị trường trong sáu tháng tới. Ngoài các chương trình khuyến mãi, đảm bảo an toàn mua sắm, siêu thị khuyến khích người dân đặt hàng qua điện thoại, app, tổng đài siêu thị” - đại diện Saigon Co.op chia sẻ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi SATRA cũng đã chuẩn bị các kịch bản nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Không chỉ vậy, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi SATRA nhận đặt hàng qua hotline.

“Chúng tôi còn có thể cung cấp đủ những đơn hàng lớn cho các địa phương, khu cách ly, điểm phong tỏa, các đơn vị liên hệ, gửi đơn hàng trước một ngày qua hotline” - đại diện SATRA thông tin.

Ứng phó kịp thời khi có biến động

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhìn nhận giá hàng hóa, nhất là mặt hàng tươi sống phụ thuộc vào lượng hàng về chợ đầu mối và tùy thời điểm trong ngày giá sẽ tăng hoặc giảm. Đây cũng là điều bình thường do người bán - người mua thỏa thuận, căn cứ vào khả năng đáp ứng hàng hóa vào thời điểm đó.

“Nhưng về tổng thể, hiện nay thị trường không có chuyện giá cả đồng loạt tăng ở các chợ. Đặc biệt là tại các siêu thị, cửa hàng bình ổn thị trường đảm bảo giá luôn ổn định. Người dân mua sắm ở chợ trong thời điểm nào đó nếu cảm thấy giá tăng không hợp lý có thể phản ảnh với ban quản lý để có điều chỉnh, hoặc đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để đảm bảo mua sắm với giá cả ổn định” - ông Phương nhấn mạnh.

Chợ truyền thống vẫn dồi dào hàng hóa. Ảnh: TÚ UYÊN

Cũng theo ông Phương, Sở Công Thương đã đề nghị UBND các quận, huyện tuyên truyền kịp thời cho người dân về công tác đảm bảo nguồn hàng, các điểm cung ứng thực phẩm thiết yếu để người dân yên tâm mua sắm, không phải lo lắng. Đồng thời, khuyến cáo người dân không mua sắm tích trữ gây biến động thị trường.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cũng thông tin đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu trên địa bàn. Song song đó, sở thiết lập đường dây nóng, yêu cầu các đơn vị cung ứng sẵn sàng liên lạc, trao đổi và đối phó khi có biến động.

Chợ đầu mối cam kết không thiếu hàng

Lượng hàng hóa tại các chợ đầu mối vẫn dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, trữ hàng đẩy giá bán. Theo đại diện chợ đầu mối Hóc Môn, dù các chợ tạm đóng cửa song nguồn phân phối về thịt heo của chợ vẫn ổn định trên 4.000 con.

Hiện chợ Bình Điền cũng đang cung cấp khoảng 175 tấn thịt súc sản, 100 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản/đêm. Chợ này cam kết cung ứng đủ lượng rau củ quả, đặc biệt là thủy hải sản cho người dân TP.HCM.

Còn đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết lượng hàng về chợ đầu mối dồi dào. Đơn cử hôm 21-6, lượng hàng về chợ là 3.479 tấn/đêm, giá cả không biến động.

“Nguồn hàng về chợ không thiếu, thậm chí thương nhân ở đây còn báo với ban quản lý họ bán chậm hơn nên giá cả hàng hóa có khi bị rớt giá. Tuy vậy, trong thời gian dịch bệnh sẽ có một số thời điểm giá biến động, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày và vấn đề này xảy ra ngắn hạn” - đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho hay.

T.UYÊN - T.HÀ

Nghiên cứu bán theo ngày chẵn - lẻ, phát phiếu vào chợ

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết sở vừa có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, chợ… hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM.

Theo đó, đối với chợ truyền thống phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ được hoạt động tuyệt đối không được phục vụ tại chỗ, chỉ áp dụng hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến...

Đáng chú ý, phải triển khai đến các tiểu thương việc thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ để phục vụ công tác truy vết khi cần thiết, đảm bảo ghi nhận đầy đủ thông tin tên khách hàng, số điện thoại liên lạc, thời gian giao dịch.

Bên cạnh đó, đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án như phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào chợ, áp dụng tùy theo quy mô chợ; phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ cho tiểu thương hoặc chia theo ngày chẵn - lẻ và vị trí… nhằm đảm bảo việc thực hiện giãn cách nếu cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm