Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, các chợ đầu mối, ban quản lý chợ truyền thống, siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường về việc thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM.
Theo đó, nhằm đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân liên tục, không bị gián đoạn và không gây ùn ứ, tập trung đông người, đề nghị các đơn vị quản lý chợ truyền thống đảm bảo thực hiện tiêu chí an toàn phòng chống COVID-19.
Đồng thời triển khai đến các tiểu thương việc thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ để phục vụ công tác truy vết khi cần thiết, đảm bảo ghi nhận đầy đủ thông tin tên khách hàng, số điện thoại liên lạc, thời gian giao dịch.
Bên cạnh đó, triển khai phương án phân luồng, hướng dẫn di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm. Tùy theo điều kiện không gian, diện tích chợ đảm bảo khoảng cách mua hàng tối thiểu 1,5 m.
Một điểm bán bên ngoài khu vưc chợ Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình quy định về giãn cách cho khách đến mua. Ảnh: TÚ UYÊN
Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án như phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào chợ, áp dụng tùy theo quy mô chợ.
Phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ cho tiểu thương hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ và vị trí…nhằm đảm bảo việc thực hiện giãn cách nếu cần thiết.
Đối với chợ không có nhà lồng, đơn vị quản lý xem xét việc đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ 5K. Theo đó, đối với các tiểu thương cần thực hiện việc kẻ vạch phân rõ khu vực điểm kinh doanh đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 m cho người dân khi mua sắm.
Trường hợp xét thấy không thể đảm bảo quy định phòng chống dịch, UBND các địa phương xem xét tạm ngưng hoạt động đối với các chợ truyền thống không có nhà lồng trên địa bàn. Đối với các điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ, đơn vị quản lý thông tin cụ thể cho UBND các địa phương để có hướng xử lý.
Đối với siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trên quầy kệ. Có chính sách khuyến khích mua hàng trực tuyến, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tập trung đông người.
Doanh nghiệp bình ổn thị trường đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời kể cả khi thị trường có biến động mạnh. Ảnh: TÚ UYÊN
Đối với doanh nghiệp bình ổn thị trường tổ chức sản xuất kinh doanh theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa, khuyến khích vượt số lượng đăng kí đã được phê duyệt.
Đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố. Đảm bảo cung ứng ổn định kịp thời đầy đủ số lượng theo đơn đặt hàng của các hệ thống phân phối kể cả trong trường hợp thị trường có biến động...
UBND TP Thủ Đức, các quận huyện tổ chức triển khai, kiên quyết dừng ngay tất cả các hoạt động, điểm kinh doanh chợ tự phát.
Đồng thời chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn đầy đủ các chợ, siêu thị cửa hàng tiện lợi bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động trong trường hợp phát hiện có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. Thực hiện xử lý khử trùng, sát khuẩn cách ly, thay đổi ca, nhóm làm việc nhanh chóng tổ chức đưa vào hoạt động lại.