Giải độc cứu sống bé gái 11 tuổi ăn lá ngón tự tử

(PLO)- Chứng kiến bố mẹ cãi nhau, bé gái 11 tuổi đã ăn lá ngón tự tử, rất may em được các y, bác sĩ giải độc và đã qua cơn nguy kịch. 

Sáng 8-11, sau gần một ngày cấp cứu, điều trị giải độc, em ThYR (11 tuổi, trú xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An)- bị ngộ độc lá ngón, đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang bình phục.

Em ThYR được các y, bác sĩ giải độc, cứu sống. Ảnh: NTV.

Theo tìm hiểu, do nhà ở bản Pà Khốm (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) cách xa trường học nên em R ở nội trú tại trường. Trưa 7-10, em R đi về nhà thì chứng kiến bố, mẹ cãi nhau nên đã buồn bã. Buổi trưa cùng ngày, em ăn cơm ở nhà xong thì lên núi hái lá ngón rồi bỏ vào cặp sách và mang đến trường.

Sau đó, em R lấy lá ngón ăn để tự tử thì được bạn cùng phòng nội trú trong trường phát hiện rồi gọi giáo viên đến cứu. Em R được đưa đến Trạm Y tế xã Tri Lễ cấp cứu trong tình trạng đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp sợ hãi. Nhận được thông tin, các y, bác sỹ Đồn Biên phòng Tri Lễ đã cùng các y, bác sĩ và trạm y tế xã tìm cách giải độc lá ngón, cứu em R. Hiện em R đang được ổn định tinh thần để tiếp tục tới lớp học tập.

Xử lý ngộ độc lá ngón cần được thực hiện theo hai nguyên tắc

Theo Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia, cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans. Loài này trước đây được phân loại trong họ Mã tiền (Loganiaceae), nhưng từ năm 1994 đến nay được cho là thuộc họ mới là họ Hoàng đằng (Gelsemiaceae).

Lá ngón được người dân gọi với các tên khác như: ngón vàng, thuốc rút ruột, cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn, … Cây lá ngón mọc hoang ở các vùng núi cao từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh, Hoà Bình, Nghệ An, Kon Tum...

Chưa có nghiên cứu về các liều gây chết tối thiểu trên người của các độc tố từ lá ngón. Các tài liệu về cây thuốc ở Việt Nam cho thấy lá ngón là cây rất độc, ăn 3 lá có thể đủ gây tử vong. Tác dụng chính của các độc tố là trên các đầu mút dây thần kinh vận động dẫn tới liệt các cơ vân.

Phía Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia cũng hướng dẫn xử lý ngộ độc lá ngón cần được thực hiện theo hai nguyên tắc: Xử trí sớm, tích cực, khẩn trương và Phải đảm bảo các chức năng sống ổn định, đặc biệt đảm bảo kiểm soát hô hấp, nhanh chóng cắt cơn co giật, ổn định tuần hoàn trước khi áp dụng các biện pháp khác.

Khi phát hiện trường hợp ngộ độc có liên quan đến lá ngón, cần lập tức xử lý gây nôn cho bệnh nhân sau đó nhanh chóng báo cho các cơ quan y tế để xử lý.

(Nguồn: nifc.gov.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới