Giải mã “ôsin của nền kinh tế” Việt còn yếu

Chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với trung bình của thế giới. Đây là nhận định của nhiều diễn giả, đại biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-11 tại Hà Nội.
Lý do chi phí logistics của Việt Nam cao
Phát biểu tại diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng logistics có ở quanh chúng ta. Từ việc giao nhận bữa ăn trưa văn phòng trên các ứng dụng di động của cá nhân cho đến những chuyến hàng vận chuyển ngày đêm dọc chiều dài đất nước của doanh nghiệp (DN). 
“Có một điều gì đó tương đồng giữa ngành dịch vụ logistics với nghề ôsin. Và chúng ta có thể nói rằng logistics là ôsin của nền kinh tế” - ông Lộc ví von.
Chủ tịch VCCI cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay của ngành này là chi phí dịch vụ logistics còn cao. Theo thống kê của công ty nghiên cứu uy tín Armstrong & Associates (Mỹ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP. Con số này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30%-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỉ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các DN Việt Nam.
“Ba vấn đề cơ bản khiến chi phí logistics còn thiếu tính cạnh tranh là: Cơ sở hạ tầng vẫn tồn tại những điểm nghẽn; thủ tục hành chính; sự kết nối của DN trong nước với các DN nước ngoài” - ông Lộc chỉ rõ.

Chi phí logistics cao là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa Việt giảm sức
cạnh tranh so với các nước. Ảnh: QH

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Vũ Tiến Lộc cho hay: Theo những khảo sát gần đây của VCCI, các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn khiến DN mất nhiều thời gian để tuân thủ. Quy trình thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu rõ ràng và chồng chéo, đặc biệt ở các thủ tục hành chính liên ngành có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính vẫn phổ biến góp phần khiến chi phí logistics nói chung tăng lên.
Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Công ty Minh Phương Logistics, nhìn nhận các công ty Việt có xu hướng tự làm hết tất cả mà không thuê ngoài, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đến nước ta luôn sử dụng dịch vụ thuê ngoài cho mảng logistics.
“Việc thuê ngoài cho phép họ sử dụng chung dịch vụ phương tiện, hạ tầng, nguồn nhân lực của tất cả DN logistics trong nước, như thế thì chi phí logistics giảm hơn rất nhiều” - bà Phương nói.

Trở thành đầu mối logistics quan trọng

Phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nếu nâng cao chất lượng, giảm giá thành các dịch vụ logistics sẽ giúp DN tiết giảm được rất nhiều chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, của cả nền kinh tế.

Muốn vậy, Việt Nam cần phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh; tạo cơ hội bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược; tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics. 

Phải giảm ngay chi phí vận tải
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, thừa nhận một trong những yếu tố khiến chi phí logistics tăng cao là chi phí vận tải - chiếm tỉ trọng lớn nhất với khoảng 60%. Như vậy, để giảm chi phí logistics thì cần phải giảm mạnh chi phí vận tải.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, Bộ GTVT đang gấp rút nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung lại quy hoạch về giao thông vận tải tầm quốc gia. Trong đó có năm loại hình gắn chặt với logistics là đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Riêng về đường bộ, Chính phủ đang tập trung đến năm 2025 thông được tuyến cao tốc Bắc-Nam và hoàn thành các trục tuyến cao tốc chính.
“Về hàng không, hiện các hãng đều tập trung chở khách. Do vậy, chúng tôi đang cố gắng để Việt Nam có 1-2 đơn vị vận tải hàng không chuyên vận tải hàng hóa” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng việc tăng kết nối và xây dựng hệ sinh thái cộng sinh với nhau và với DN nước ngoài là cần thiết để khơi thông dòng chảy logistics. Cụ thể là thông qua học hỏi các công nghệ mới cũng như thúc đẩy việc hình thành các dịch vụ môi giới, trung gian trong ngành logistics.
“Các dịch vụ môi giới và trung gian trong logistics sẽ giúp DN trong nước tối ưu hóa hơn việc vận tải hàng hóa. Bởi theo một thống kê gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy khoảng 70% xe chở hàng chấp nhận chạy không tải ở chiều về vì không thể tìm được khách hàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của DN trong nước rất thiếu tính cạnh tranh” - ông Lộc nói.

Kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu mới

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng đại dịch COVID-19 xuất hiện đã gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng đồng thời cũng tạo ra các cơ hội mới. Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí có thể trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới.

Bởi cách đây từ một thập niên, các công ty đa quốc gia đã tính đến chuyện rời khỏi Trung Quốc. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là chi phí lao động ở nước này tăng lên. Sau đó chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho thấy tính không ổn định khi đầu tư vào Trung Quốc.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cũng chứng minh về các hệ lụy nếu lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Đơn cử như Mỹ, một cường quốc kinh tế thế giới nhưng thiếu khẩu trang, thiếu cả găng tay y tế để giải quyết vấn đề nội tại của mình. Điều đó cho thấy sự lệ thuộc vào nguồn cung duy nhất của sản xuất toàn cầu đã trở thành một vấn đề nhức nhối.

“Chúng tôi làm một khảo sát nhanh đối với các DN điện tử khi họ rời khỏi Trung Quốc gần đây. Đó là các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ… dịch chuyển gần như đi khắp nơi trên thế giới. Như Mỹ thì đến Mexico, Đài Loan từ Trung Quốc đại lục về lại Đài Loan. Một số công ty Nhật Bản, Hàn Quốc thì đến nước ta” - ông Đức nói.

Tuy vậy, trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc hiện đại hóa các hoạt động logistics là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. “Logistics là một ngành tiên phong, đi kèm với nền kinh tế phát triển của đất nước. Theo tôi, logistics cũng cần thiết phấn đấu trở thành trung tâm logistics của khu vực. Nếu chúng ta nhìn một chút về địa kinh tế thì Việt Nam chắc chắn sẽ là cầu nối tốt nhất cho khu vực phía nam Trung Quốc dẫn ra biển hơn là chạy ngang qua Trung Quốc” - ông nhấn mạnh. 


Nhiều nhà máy đóng cửa, ngành logistics khóc ròng
Nhiều nhà máy đóng cửa, ngành logistics khóc ròng
(PLO)- Nhiều doanh nghiệp (DN) logistics đang bị ảnh hưởng khá nặng nề, doanh thu trung bình giảm 10%, với xu hướng có thể tới 50% trong những tuần tới so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm