Giải mã việc nhà đầu tư ngoại rót tiền mua chứng khoán Việt

(PLO)- Khối ngoại đang tạo sức nóng trên thị trường chứng khoán với khối lượng mua vào một cách khá đều đặn và liên tục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, có thời điểm chỉ số VN-Index thủng mốc 900 điểm, rớt xuống chỉ còn trên 873 điểm. Nhà đầu tư nội đã bán ròng cổ phiếu trước nhiều thông tin thiếu tích cực.

Ngược lại, khối ngoại liên tục mua ròng qua từng phiên. Nhờ đó thị trường chứng khoán Việt đã không bị rớt quá sâu, thậm chí giúp thị trường đảo chiều từ vùng giá 900 điểm leo lên hơn 1.000 điểm.

Chớp thời cơ

“Nhà đầu tư nước ngoài đã chớp thời cơ để mua vào cổ phiếu Việt Nam (VN) trong bối cảnh bất ổn của thị trường. Khối ngoại mua ròng 685 triệu USD trong tháng 11, đạt kỷ lục mới” - ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ đầu tư PYN Elite Fund, bình luận.

Trong khi nhà đầu tư nội đã bán ròng cổ phiếu thì giới đầu tư ngoại nhìn thấy cơ hội hấp dẫn khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang được chiết khấu mạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong khi nhà đầu tư nội đã bán ròng cổ phiếu thì giới đầu tư ngoại nhìn thấy cơ hội hấp dẫn khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang được chiết khấu mạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cũng theo ông Petri Deryng, niềm tin vào thị trường có dấu hiệu được cải thiện, vì vậy có thể kỳ vọng VN-Index sẽ đi theo con đường tăng trưởng của nền kinh tế VN và dự báo thu nhập của công ty trong 12 tháng tới. Trong các nước Đông Nam Á, triển vọng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết trong vài năm tới ở VN là mạnh nhất.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BSC, cũng đánh giá khối ngoại đã có những động thái đáng ngạc nhiên khi suốt nhiều tháng, ngày nào họ cũng mua ròng với khối lượng lớn, trong khi trước đây mức mua ròng chỉ vài ba phiên với khối lượng vừa phải.

Mua nhiều cổ phiếu trụ cột

Công ty Chứng khoán SSI cho biếtkhối ngoại đẩy mạnh mua vào chứng khoán Việt trong tháng 11 với tổng giá trị mua ròng đạt 16.900 tỉ đồng, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5-2018. Nhờ sự tham gia tích cực, tỉ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11. Con số này cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng đầu năm nay.

“Thu hút dòng tiền mạnh từ khối ngoại là các mã vốn hóa trụ cột đầu ngành, chủ yếu ở nhóm bất động sản, tài chính và tiêu dùng” - SSI nhận định.

Ông Long nhấn mạnh: “Dòng tiền khối ngoại vào mạnh cho thấy dù thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi trái phiếu, lãi suất, thanh khoản… nhưng nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vì góc nhìn về triển vọng tăng trưởng kinh tế VN vẫn tốt trong 5-10 năm tới. Mặt khác, nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 và tháng 11 cũng kích hoạt dòng vốn giải ngân vào thị trường cổ phiếu VN”.

Định giá cổ phiếu của VN đang rẻ chưa từng có trong vòng năm năm trở lại đây cũng là nhân tố quan trọng hấp dẫn vốn ngoại. Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), kể: Khi nói chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài, họ tỏ ra lạc quan với thị trường trong dài hạn. Các quyết định đầu tư của họ nằm ở nhiều nền tảng quan trọng như giá cổ phiếu xuống thấp, VN có cơ cấu dân số vàng, tỉ lệ nữ tham gia vào thị trường lao động rất cao. Hơn nữa, theo các dự báo, đến năm 2030 VN là thị trường tiêu dùng lớn nhất trên toàn thế giới. Yếu tố quan trọng khác là chúng ta có dân số trẻ với tỉ lệ sử dụng công nghệ rất cao.

“Khối ngoại cũng đang kỳ vọng thị trường chứng khoán VN sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo các thống kê, một khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, các quỹ sẽ đổ vào thị trường khoảng 5 tỉ USD” - bà Nga đánh giá.

P-Notes tăng tính hấp dẫn cho thị trường

Động thái mua ròng của khối ngoại còn đến từ dòng tiền “ẩn mặt, ẩn danh” mà thị trường gọi tên là P-Notes (participatory notes). Theo TS Quách Mạnh Hào, chuyên gia kinh tế, hiểu đơn giản P-Notes là chứng chỉ quỹ dành cho nhà đầu tư nước ngoài mà không đăng ký tài khoản ở VN; những nhà đầu tư này bỏ tiền vào tổ chức nước ngoài có đăng ký giao dịch tại VN.

Những nhà đầu tư nước ngoài mua P-Notes vẫn được hưởng đầy đủ quyền nhận cổ tức và lãi vốn từ danh mục chứng khoán đầu tư nhưng không phải là nhà đầu tư theo nghĩa sở hữu cổ phiếu thực thụ. “Điều này nhằm phục vụ dòng tiền vào nhanh, ra nhanh vì nếu nhà đầu tư đăng ký giao dịch trực tiếp ở VN sẽ mất khá nhiều thời gian làm thủ tục” - ông Hào giải thích.

Còn theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty đầu tư FIDT, dòng tiền từ P-Notes cũng đã xuất hiện tại thị trường chứng khoán VN trước đó vào các năm 2008 cũng như 2010 và 2018. Dòng tiền P-Notes thường vào lúc thị trường giảm điểm mạnh, thanh khoản thấp.

Đây là dòng tiền có tốc độ vào - ra khá nhanh, có thể tạo biến động cho thị trường chứng khoán Việt. Tuy nhiên, hầu hết dòng tiền ngoại hiện nay là khá ổn định và bền vững, lâu dài.

Tương tự, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BSC Trần Thăng Long cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện những nghiên cứu khá công phu về nhà đầu tư nước ngoài và nhận ra trong nguồn vốn của khối ngoại sử dụng trên thị trường chứng khoán VN thì một nửa là dòng vốn dài hạn. Họ đầu tư chiến lược vào các công ty, ngân hàng trên thị trường với thời gian rất dài, chưa kể cứ hở room là mua thêm.

Đáng chú ý có một nhóm nhà đầu tư ngoại rất quan trọng đến từ các quốc gia châu Âu là những quỹ đầu tư với phần lớn tài sản tập trung đầu tư vào VN. Các quỹ này gắn bó mật thiết với quá trình phát triển của thị trường và họ cứ huy động được đồng vốn nào là lại đầu tư vào VN”.

Cần có cơ chế hợp lý để quản lý P-Notes

Theo giới phân tích kinh tế, P-Notes không quá xa lạ trên thế giới. Chẳng hạn, P-Notes đã xuất hiện tại thị trường chứng khoán Ấn Độ khá lâu và rất phổ biến. Nhưng đến giờ các cơ quan chức năng của Ấn Độ cũng khó khăn theo dấu dòng tiền này vì tính ẩn danh của chúng.

Lý do là các nhà đầu tư nước ngoài như các cá nhân giàu có, quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác mua cổ phần của các công ty Ấn Độ mà không cần phải đăng ký với cơ quan quản lý của nước này. Dòng tiền này cũng tạo ra tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khi Ấn Độ đã bắt đầu kiểm soát dòng vốn từ P-Notes thì thị trường chứng khoán ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Do đó, VN cần có cơ chế hợp lý để quản lý P-Notes vì dòng tiền từ đây đang có dấu hiệu gia tăng. Thị trường chứng khoán Việt cũng dễ đối diện với nguy cơ biến động khó dự báo do dòng tiền P-Notes vào nhanh mà ra cũng nhanh, chưa kể sự luân chuyển dòng vốn khó xác định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm