Dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023

(PLO)- Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dù năm 2023 kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức nhưng cơ hội vẫn còn rất nhiều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2022, vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM) tính đến ngày 30-11-2022 ước đạt 5.383 ngàn tỉ đồng, giảm 30,7% so với cuối năm 2021, tương đương 63,5% GDP. Bước sang năm 2023, khó khăn là có nhưng cơ hội vẫn còn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đây là nhận định của bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), tại diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, do Ủy ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức diễn ra ngày 17-12.

Để chứng minh nhận định này, bà Phương cho rằng tín hiệu đầu tiên có thể nhận thấy ở thế giới đó là tình hình lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, FED được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỉ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần.

Các đại biểu lắng nghe trao đổi về dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023.

Các đại biểu lắng nghe trao đổi về dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023.

Cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế dần được khôi phục. Hoạt động doanh nghiệp dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới nhưng vẫn khả quan.

Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10-2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 6,2% trong năm 2023.

“Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Tất cả những yếu tố trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn…” - bà Phương khẳng định.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra những lo ngại cho năm tới, nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng. Đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn.

Thêm vào đó các nền kinh tế nếu vẫn duy trì lạm phát ở mức cao, lãi suất gia tăng và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam do vậy cũng có thể chậm lại trong thời gian tới.

Để loại bỏ một phần những thách thức trên, bà Phương cho rằng ngoài hoàn thiện thể chế, nhà nước sẽ coi trọng giám sát các công ty chứng khoán nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

"Đặc biệt cần cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin để ổn định tâm lý thị trường, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn. Đồng thời tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…" - bà Phương nói.

Cạnh đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro…

Nói thêm về trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, khẳng định đây là kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, nhằm huy động nguồn lực trong dân cho phát triển doanh nghiệp và kinh tế.

Mặc dù thị trường có nhiều thách thức, những doanh nghiệp vi phạm trong việc huy động và kinh doanh trái phiếu chỉ là số ít. Do vậy, mọi giải pháp cần xuất phát từ sự chủ động minh bạch của doanh nghiệp và các định chế trung gian liên quan. “Minh bạch là chìa khóa của mọi giải pháp” - ông Thuân khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm