Chiều 7-7 (giờ địa phương), Thủ tướng Boris Johnson đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và chức thủ tướng Anh, trong bối cảnh hàng chục thành viên chính phủ của ông từ chức trước đó để phản đối nhà lãnh đạo này, theo tờ The Guardian.
Ông Johnson từ chức trước nhiều áp lực
“Rõ ràng ý nguyện của đảng Bảo thủ là cần có một nhà lãnh đạo mới của đảng, do đó sẽ có một thủ tướng mới. Thời gian bầu lãnh đạo mới của đảng sẽ được công bố vào tuần tới” - ông Johnson phát biểu tại văn phòng thủ tướng (số 10 phố Downing, London).
Mỹ hiện chính thức có phản ứng về việc ông Johnson từ chức. Trả lời phỏng vấn với đài Fox News hôm 6-7, điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng tình hình chính trị ở Anh không làm ảnh hưởng tới sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine.
Ông Johnson sẽ tiếp tục giữ cương vị thủ tướng tạm quyền tới khi đảng Bảo thủ bầu được nhà lãnh đạo mới vào cuối năm nay. Ông cũng cho biết đã chỉ định một nội các để duy trì hoạt động của chính phủ cho đến khi lãnh đạo mới được bổ nhiệm.
Trước khi ông tuyên bố từ chức, đã có ít nhất 50 quan chức cấp cao rời bỏ chính phủ của ông, Công đảng đối lập kêu gọi tổng tuyển cử sớm.
Hãng tin Reuters cho hay trong số các quan chức cấp cao từ chức có Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak; Bộ trưởng Y tế Sajid Javi; Bộ trưởng Môi trường Jo Churchill; Bộ trưởng Nhà ở Stuart Andrew; Bộ trưởng phụ trách gia đình và trẻ em Will Quince; Bộ trưởng phụ trách các vấn đề North Ireland; Bộ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng, nhà ở, cộng đồng Michael Gove và Quốc vụ khanh phụ trách các tiêu chuẩn trường học Robin Walker.
|
Thủ tướng Anh Boris Johnson bên ngoài văn phòng ở số 10 phố Downing, thủ đô London (Anh) ngày 6-7. Ảnh: AP |
Đây hầu hết là các đồng minh thân cận của Thủ tướng Johnson. Nhiều nghị sĩ từng ủng hộ Thủ tướng Johnson trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cách đây một tháng cũng lên tiếng cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để ông ra đi.
Theo giới quan sát, sự từ chức của ông Johnson đánh dấu sự sa sút đáng kể đối với một thủ tướng từng được coi là người có siêu quyền lực chính trị, với sức hấp dẫn vượt qua các đường lối truyền thống của đảng. Ông đã giành được chiến thắng vang dội vào tháng 12-2019 với lời hứa đưa ra một thỏa thuận Brexit và đưa nước Anh tới một tương lai tươi sáng bên ngoài Liên minh châu Âu.
Tại sao ông Johnson bị buộc phải ra đi?
Thủ tướng Johnson thời gian qua liên tiếp hứng chịu vấn đề liên quan tới khả năng lãnh đạo, tờ The Wall Street Journal cho hay. Số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố gần đây cho thấy lạm phát trong năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất.
Cụ thể, lạm phát tại Anh đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng 5 - mức cao nhất kể từ năm 1982. BoE dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên mức 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng mạnh. Chuyên gia ONS Grant Fitzner cho biết nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên là do giá thực phẩm leo thang trong khi giá năng lượng đạt mức kỷ lục.
Việc lạm phát lập đỉnh cao nhất trong nhiều năm qua đang kéo theo cuộc khủng hoảng về giá sinh hoạt. Tuần này, hàng chục ngàn công nhân đường sắt Anh đã xuống đường đình công với quy mô lớn nhất trong ngành trong 30 năm trở lại đây khiến hệ thống đường sắt Anh gần như tê liệt suốt nhiều ngày.
Áp lực tiếp tục gia tăng đối với đảng Bảo thủ và chính phủ của Thủ tướng Johnson khi kết quả cuộc bầu cử bổ sung hồi cuối tháng 6 cho thấy đảng này đã để thua ở hai khu vực bỏ phiếu quan trọng là Wakefield cùng Tiverton và Honiton.
Một số vấn đề khác có liên quan đến cá nhân ông Johnson như nhà lãnh đạo này từng bị chỉ trích về thông tin ông dự tiệc tùng ngay tại nơi ở và văn phòng của mình ở phố Downing (London) vi phạm quy định về phong tỏa ngừa COVID-19 và ông đã bị cảnh sát phạt tiền vì chuyện đó.
Trong tranh cãi mới nhất, ông Johnson đã phải xin lỗi vì bổ nhiệm một nhà lập pháp vào một vị trí quan trọng trong đảng Bảo thủ, ngay cả sau khi được thông báo rằng chính trị gia này là đối tượng bị khiếu nại về hành vi liên quan tới quấy rối tình dục.•
Người thay thế ông Johnson sẽ được lựa chọn ra sao?
The Guardian cho biết các ứng viên cho vị trí thủ tướng Anh phải được ít nhất hai nghị sĩ đảng Bảo thủ đề cử và có thể có nhiều ứng viên cùng lúc. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau đó tổ chức một số vòng bỏ phiếu để loại bớt các ứng viên. Mỗi lần các nghị sĩ sẽ được yêu cầu bỏ phiếu cho ứng viên mà họ ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu kín. Ứng viên có ít phiếu bầu nhất sẽ bị loại. Quá trình này lặp lại cho đến khi còn lại hai ứng viên.
Hai ứng viên cuối cùng sau đó sẽ tham gia vào vòng bỏ phiếu cuối. Người có nhiều phiếu bầu hơn sẽ giành chiến thắng. Lãnh đạo đảng cầm quyền đồng thời sẽ là người giữ chức thủ tướng Anh.
Hiện một trong những ứng viên sáng giá nhất để kế nhiệm ông Johnson được cho là Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace. Ông thời gian qua đang trở thành một nhân vật khá nổi tiếng đối với các nghị sĩ đảng Bảo thủ nhờ đóng góp của ông này trong xử lý khủng hoảng ở Ukraine.
Phía Nga nói không quan tâm chuyện ông Johnson từ chức
Trong cuộc họp báo hôm 7-7, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov khẳng định Moscow không quan tâm việc Thủ tướng Boris Johnson từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cũng như từ chức thủ tướng Anh và Moscow trên thực tế cũng không thích lãnh đạo này, theo hãng tin AFP.
“Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó ở Anh, những cá nhân chuyên nghiệp hơn và có thể đưa ra quyết định thông qua đối thoại sẽ lên nắm quyền. Nhưng hiện tại, có rất ít hy vọng cho điều đó. Ông ấy không thích chúng tôi và chúng tôi cũng không thích ông ấy” - ông Peskov cho hay.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng việc ông Johnson từ chức là do khủng hoảng chính trị, ý thức hệ và kinh tế.