Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài giảm

10 tháng năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm đều tăng so với cùng kỳ, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn. Tuy nhiên vốn giải ngân vẫn tiếp tục giảm.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, tính đến ngày 20-10 vừa qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỉ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Tuy chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái, nhưng theo ý kiến của các cơ quan quản lý, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng, đây là con số tích cực, cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy vào Việt Nam.

Trong tổng số vốn nói trên, vốn đăng ký mới là trên 13 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm đạt trên 7,09 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Có con số ấn tượng này là do trong 10 tháng qua, có tới 3 dự án tỉ USD được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng thêm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục xu hướng giảm.

Trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỉ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,54 tỉ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,12 tỉ USD và trên 803 triệu USD.

Tuy nhiên, trong khi vốn đăng ký đang xu hướng tăng, thì vốn giải ngân lại tiếp tục giảm. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến hết tháng 10, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 15,15 tỉ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Mức giảm này sâu hơn so với cùng thời điểm này của tháng trước khi 9 tháng, vốn đầu tư thực hiện giảm 3,5% so với 9/2020.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10,94 tỉ USD, chiếm 72,2% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,08 tỉ USD, chiếm 13,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,15 tỉ USD, chiếm 7,6%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới