Giải pháp bảo vệ doanh nghiệp, tăng nội lực nền kinh tế

Mới đây, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.

PGS-TS Trần Đình Thiên

Về vấn đề này, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Nước ta cần một chương trình tổng thể, mang tính dài hạn với các giải pháp đồng bộ và nguồn lực đi kèm để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai”.

Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục: Phải hiệu quả

Phóng viên: Thưa ông, một cách tổng quát nhất thì chương trình phục hồi và phát triển kinh tế này phải hướng đến những mục tiêu nào?

PGS-TS Trần Đình Thiên: Một cách ngắn gọn, chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Quan trọng nhất, phải nâng cao được năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, của xã hội. Nếu định hướng của trung ương là phải bảo vệ DN, bảo vệ nền kinh tế thì giải pháp trước mắt là phải hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng DN, nhất là các DN có khả năng phục hồi sớm, có thể tạo sự lan tỏa để vực dậy các DN còn khó khăn, nhất là các DN nhỏ và vừa. Về nguyên tắc, cần biết lựa chọn ưu tiên để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế chứ không đơn thuần là “cứu trợ” mọi đối tượng khi nguồn lực khan hiếm.

. Ông đánh giá thế nào về các gói hỗ trợ, các giải pháp được đưa ra trong thời gian qua?

+ Như Bộ KH&ĐT từng báo cáo công khai, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN, người dân. Tổng các gói hỗ trợ từ đầu năm 2021 đến nay đạt khoảng 10,45 tỉ USD, tương đương với 2,84% GDP. Tất nhiên, so sánh với các nước xung quanh thì có thể quy mô gói hỗ trợ vẫn còn thấp.

Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ việc triển khai các gói hỗ trợ ấy có đạt được kỳ vọng, mục tiêu không lại là chuyện khác. Cũng có thể hiểu đó là các chính sách ngắn hạn. Còn về tổng thể, dài hạn thì cần một chiến lược với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Phải hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sớm. Ảnh: LÊ ÁNH

. Và vì vậy Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trong cuộc gặp với Thủ tướng cũng như Chủ tịch Quốc hội mới đây, đã đề xuất một gói hỗ trợ lên tới 250.000 tỉ đồng?

+ Để có một nguồn lực như vậy nhằm hỗ trợ, phục hồi, kích thích nền kinh tế là một điều mà chúng ta rất mong muốn. Nhưng để làm được như vậy cũng cần phải có sự thống nhất, một chiến lược dài hạn, bài bản. 250.000 tỉ đồng hay 500.000 tỉ đồng không hẳn là yếu tố quyết định cho bằng việc phải có chiến lược để nguồn lực ấy phát huy hiệu quả.

Bởi ngay như các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam, muốn phục hồi bền vững thì phải bảo đảm ổn định tài chính; cân bằng rủi ro giữa việc gia tăng nợ công, nợ của khu vực tư nhân với quy mô và thời hạn các chính sách hỗ trợ tài chính. Cạnh đó, một chính sách tài khóa linh hoạt cũng cần được tính đến để có thể hỗ trợ hệ thống y tế, hộ gia đình, DN và phục hồi kinh tế đến khi dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.

Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề này cần phải được thảo luận, cân nhắc, đánh giá giữa Quốc hội và Chính phủ để thống nhất được quy mô cùng các giải pháp kiểm soát nhằm đạt hiệu quả phục hồi, phát triển cao nhất.

Giải pháp phải đủ đột phá để kinh tế phục hồi mạnh mẽ

. Phóng viên: chuyên gia đã góp ý rằng: Ngân sách cần phải chi mạnh tay để vực dậy nền kinh tế, cho cả ba tuyến đang gặp khó khăn: DN, người lao động và những đối tượng an sinh xã hội. Cùng với đó là miễn luôn các khoản thuế, phí hiện đang được gia hạn.

+ PGS-TS Trần Đình Thiên: Mục tiêu chung là cần tái lập nền tảng, các động lực tăng trưởng mới cho giai đoạn này. Bởi vậy, dù là chính sách gì thì cũng cần phải tiếp cận toàn diện cả về cung - cầu. Tín dụng, chi phí, lao động và kích cầu tiêu dùng, giải ngân vốn đầu tư công cũng như các khâu kết nối đều quan trọng.

Những đề xuất như giảm chi phí, miễn thuế hay chi tiêu công (trong đó có giải ngân vốn đầu tư công) đều đã được Chính phủ tính đến và đang thúc đẩy, triển khai các giải pháp. Có một chương trình tạo ra nhiều sức bật tới đây của Chính phủ là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông và nông nghiệp, thủy lợi. Dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong hai năm 2022-2023 khoảng 1,2 triệu tỉ đồng. Nếu làm được điều này thì động lực tăng trưởng là rất lớn.

Nếu tới đây, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV phê chuẩn các giải pháp tổng thể của Chính phủ đệ trình thì chắc chắn sẽ có nền tảng cho DN, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022 trở đi.

Bởi vì mục tiêu của chúng ta hiện nay vẫn là tăng trưởng kinh tế 6,5%-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Giữ vững mục tiêu ấy trong bối cảnh năm 2021 đã chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thì những giải pháp đột phá là cần thiết. 

Kích các ngành cạnh tranh của nền kinh tế bật dậy

. Trung ương yêu cầu không được để đổ vỡ nhưng cũng không được lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới. Điều này nên được hiểu như thế nào?

+ Điều đó tôi hiểu là khi có chiến lược và nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế thì cần phải triển khai nhanh để tăng năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại của nền kinh tế cũng như tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Tiếp đó là phải xác định được trọng tâm, trọng điểm lĩnh vực cần ưu tiên, hỗ trợ. Chẳng hạn, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, vận tải hành khách. Cùng với đó là các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số.

. Để đạt được “bình thường mới” nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội tốt hơn, theo ông, những giải pháp nào là cấp bách?

+ Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 9-10 đã phát đi một thông điệp tích cực: Dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt hơn nữa thông qua việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tôi cho rằng đây phải là nhóm nhiệm vụ - giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Hướng dẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19” cần được - và chắc là - sẽ được ban hành sớm. Đây là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để phục hồi kinh tế.

Hướng dẫn này cho đến nay đang được tiếp thu, tích hợp các nguyên tắc cơ bản của “bình thường mới”, tăng tính chủ động cho DN, người dân và tạo sự thống nhất trong phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương tốt hơn.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế

. Rải rác ở một số thời điểm, trong lúc chúng ta chống dịch, có tình trạng là các quy phạm pháp luật dường như cũng là một rào cản cho phục hồi, phát triển kinh tế. Theo ông, ta có thể tận dụng cơ hội này như thế nào?

+ Đúng là khi dịch COVID-19 hoành hành thì nhiều bất cập của thể chế, của hệ thống pháp luật càng bộc lộ rõ hơn. Bởi thế, trong chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế tới đây, việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là khâu đặc biệt quan trọng. Thể chế đầu tư kinh doanh được hoàn thiện thì chúng ta mới có điều kiện để tiếp tục cải cách điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, hành chính các cấp.

Thực tế, đây cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ. Thủ tướng đã giao 10 bộ rà soát các luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn. Tôi thấy Chính phủ dự tính trình sửa 10 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh… theo hướng tăng thẩm quyền cho các bộ, địa phương, đơn giản quy trình, thủ tục cũng là điều đáng ghi nhận.

. Ông nhận định thế nào nếu Quốc hội chấp thuận các đề xuất cải cách thể chế của Chính phủ?

+ Nếu những đề xuất của Chính phủ được Quốc hội chấp thuận thì chắc chắn môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam được cải thiện hơn nữa. Nếu đơn giản hơn các quy trình, thủ tục phê duyệt các dự án thì DN sẽ được hưởng lợi, các địa phương thực hiện tốt thẩm quyền được phân công thì kinh tế - xã hội có cơ hội phục hồi nhanh hơn.

Cạnh đó, khi các khó khăn, vướng mắc về thể chế được tháo gỡ thì chắc chắn đầu tư nước ngoài cũng được thu hút tốt hơn. Chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để phục hồi kinh tế khi huy động được nguồn lực quan trọng này. Chẳng những vậy, quá trình nối lại chuỗi cung ứng để hội nhập với thế giới sau phục hồi cũng sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

. Xin cám ơn ông.•

Các doanh nghiệp, chuyên gia nói gì?

Giải pháp bảo vệ doanh nghiệp, tăng nội lực nền kinh tế ảnh 3
 

Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel:

Nới lỏng điều kiện được thụ hưởng

Dự báo là tình hình kinh doanh quý IV-2021 và năm 2022 tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.

Bản thân doanh nghiệp (DN) chúng tôi cũng được tiếp cận những chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song các gói hỗ trợ hiện nay có quy mô thấp nên mức độ thụ hưởng chưa thấm tháp gì so với thiệt hại của dịch bệnh gây ra cho DN.

Tôi cho rằng đối với gói hỗ trợ giảm, giãn thuế cần xem xét theo từng giai đoạn cụ thể ứng với tình hình dịch bệnh hoặc tiêu chí để tránh việc triển khai cầm chừng. Hiện mức độ hỗ trợ DN chưa nhiều so với nhu cầu khi DN bị thiệt hại bởi tác động của dịch bệnh và thời gian thụ hưởng hỗ trợ còn ngắn so với nhu cầu và tình hình hoạt động của DN.

Do đó, các cơ quan chức năng cần rà soát các quy định, điều kiện. Từ đó, xem xét nới lỏng các yêu cầu về điều kiện thụ hưởng; xóa bỏ các quy định cồng kềnh để DN có thể thụ hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói hỗ trợ tín dụng.

Giải pháp bảo vệ doanh nghiệp, tăng nội lực nền kinh tế ảnh 4
 

Ông LÊ HỮU NGHĨA, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành:

Thúc đẩy đầu tư công và tư nhân

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động dữ dội, làm cho DN rất khó khăn, để hỗ trợ giúp nền kinh tế phát triển trở lại, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư công, tôi cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư của tư nhân song hành cùng đầu tư công. Giả sử cả nước có 1.000 dự án, mỗi dự án có quy mô vốn 1.000 tỉ đồng được khởi công xây dựng, tương ứng với 1 triệu tỉ đồng được giải ngân. Điều này sẽ giúp cả nền kinh tế phát triển trở lại vì khi các dự án đầu tư hoạt động sẽ kéo theo khoảng 35 ngành, nghề khác phát triển.

Song để làm được điều này, Quốc hội cần xem xét ban hành một luật áp dụng trong khoảng hai năm với nhiều điều kiện được nới lỏng hơn. Chỉ có như vậy, DN mới có thể vượt qua được giai đoạn cam go này.

Giải pháp bảo vệ doanh nghiệp, tăng nội lực nền kinh tế ảnh 5
 

Ông PHẠM VĂN VIỆT, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM:

Phải có cơ chế đặc biệt

Chính phủ cần có gói hỗ trợ lãi suất với quy chế đặc biệt để tất cả DN tiếp cận được, không phân biệt ngành, nghề. Bởi lẽ trong bối cảnh dịch COVID-19, dòng tiền như ôxy đối với DN. Thế nhưng đa phần các DN không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật Tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân, DN phải đảm bảo các tiêu chí như không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo...

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đã khiến doanh thu DN sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên hai năm trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại không đổi.

Dự kiến tháng 10-2021, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm (khoảng 3.000 tỉ đồng) trên tổng dư nợ 100.000 tỉ đồng thì các DN vẫn khó tiếp cận được nếu không sớm ban hành một cơ chế đặc biệt cho các DN gặp khó khăn do đại dịch.

Giải pháp bảo vệ doanh nghiệp, tăng nội lực nền kinh tế ảnh 6
 

PHẠM THỊ NGỌC THỦY, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV):

Rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn

Trong bối cảnh hiện tại, DN gặp rất nhiều khó khăn về sức khỏe tài chính. Dòng tiền vào thì ít mà dòng tiền chi ra thì liên tục. Cho nên DN có quan điểm chung là nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng đều là phao cứu sinh cho cộng đồng DN.

Tuy nhiên, giữa kỳ vọng trong thực tế với những chính sách đã ban hành thì vẫn còn có khoảng cách nhất định. Thứ nhất, liên quan đến các chính sách về thuế, phí và những khoản tiền phải nộp còn có nhiều hạn chế. Đối với chính sách tín dụng, trong thời gian vừa qua dù các ngân hàng thương mại đã tích cực hỗ trợ nhưng các DN phản hồi rằng quá trình thực hiện ở các ngân hàng chưa đồng nhất. Tức là việc tiếp cận chính sách từ phía các ngân hàng thương mại còn có khoảng cách.

Chẳng hạn, khi đã có Thông tư 01 sửa đổi nhưng các ngân hàng vẫn chưa triển khai. Chính vì vậy, trong thời gian tới đây, các ngân hàng thương mại cần đối thoại trực tiếp với từng nhóm khách hàng để cải thiện năng lực tiếp cận vốn của DN.

THÙY LINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm